Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024
Google search engine
HomeChưa phân loạiNội dung của Luật Thương mại Việt Nam

Nội dung của Luật Thương mại Việt Nam

1- Nội dung của Luật Thương mại Việt Nam

[a] Luật Thương mại quy định quy chế thương nhân

Thương nhân là chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh. Luật Thương mại xác lập quy chế thương nhân thông qua các văn bản pháp luật cụ thể về doanh nghiệp và các hình thức tổ chức kinh doanh khác.

Pháp luật mỗi quốc gia đều có quy định điều kiện, thủ tục để tổ chức, cá nhân kinh doanh trở thành thương nhân. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhiều loại hình thương nhàn khác nhau hình thành, theo đó, có thể xuất hiện nhiều sự liên kết phức tạp về vốn góp, về quản lí, về tính chất chịu trách nhiệm tài sản, về công nghệ… Sự tồn tại và hoạt động của thương nhân cần có sự công nhận, bảo hộ từ phía nhà nước và pháp luật là công cụ quan trọng để thực hiện điều này. Quy chế thương nhân được xác lập với các nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, Luật Thương mại quy định các loại hình thương nhân

Thương nhân là tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại và hiện diện bằng nhiều hình thức khác nhau, phụ thuộc vào quy định của mỗi quốc gia, ví dụ như: Công ty TNHH, CTCP, công ty hợp danh, DNTN… Mỗi loại hình thương nhân cụ thể muốn được thành lập và hoạt động trong nền kinh tế, trước hết, cần có quy định pháp luật quốc gia về loại hình đó, tức là cần có cơ sở pháp lí để một loại hình thương nhân cụ thể thành lập và hoạt động họp pháp, có sự bảo hộ từ phía nhà nước.

Ở Việt Nam, công ty TNHH, CTCP, DNTN, công ty hợp danh, hợp tác xã, hộ kinh doanh chỉ được thành lập và được biết đến sau khi Quốc hội ban hành Luật Công ty năm 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990. Công ty TNHH một thành viên, công ty hợp danh chỉ được thành lập sau khi Luật Doanh nghiệp được ban hành vào năm 1999 và công ty TNHH một thành viên do một cá nhân làm chủ chỉ được thành lập sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 được ban hành và có hiệu lực pháp luật. Sự hiện diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được bắt đầu trên cơ sở quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 với các hình thức cụ thể là doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Các hình thức thương nhân này thành lập và hoạt đông với tên gọi doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong một thời gian dài, cho đến khi pháp luật về đầu tư tại Việt Nam được nhất thể hoá với sự ra đời của Luật Đầu tư năm 2005. Hiện nay, phụ thuộc vào cấu trúc vốn đầu tư và tính chất liên kết, doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước hay có vốn đầu tư nước ngoài, đều hiện diện với tên gọi như nhau là công ty TNHH, CTCP, DNTN V.V..

Thứ hai, Luật Thương mại quy định về điểu kiện và thủ tục gia nhập thị trường của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư có quyền tự do thành lập doanh nghiệp để đầu tư kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Để đảm bảo trật tự và lợi ích xã hội, nhà nước kiểm soát việc thực hiện quyền này thông qua các quy định về điều kiện và thủ tục gia nhập thị trường. Bằng các quy định của Luật Thương mại, nhà nước kiểm soát các yếu tố về vốn đầu tư, ngành nghề kinh doanh, người góp vốn thành lập, người đại diện theo pháp luật, nơi đặt trụ sở chính… Các quy định về điều kiện và thủ tục gia nhập thị trường cũng cho phép xác định tư cách pháp lí hợp pháp của thương nhân cùng với trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lí trong hoạt động thương mại của họ.

Thứ ba, Luật Thương mại quy định về quyển và nghĩa vụ của thương nhân và tố chức, cá nhân góp vốn (gọi chung là nhà đầu tư)

– Luật Thương mại quy định quyền và nghĩa vụ của thương nhân với mục đích là xác định rõ phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức kinh doanh trong nền kinh tế.

Trên cơ sở quyền tự do kinh doanh được Hiến pháp quy định, Luật Thương mại quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thương nhân trong hoạt động thương mại. Đây là những quy định quan trọng xác lập phạm vi thẩm quyền của thương nhân, là cơ sở đo lường tính chất bình đẳng, không phân biệt đối xử trong hoạt động kinh doanh của các loại hình thương nhân khác nhau. Các quyền cơ bản được pháp luật quy định bao gồm: Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; Chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; Chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn; Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và kí kết hợp đồng; Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu; Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh; Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, thương nhân cũng phải thực hiện các nghĩa vụ cơ bản, đó là: Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh; Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê; Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng kí hoặc công bố; Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng kí doanh nghiệp, đăng kí thay đối nội dung đăng kí doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan; Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng kí doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó; Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh; Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng…

Luật Thương mại quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân góp vốn với mục đích xác định rõ thẩm quyền của họ với tư cách là chủ sở hữu của doanh nghiệp hay tổ chức kinh doanh khác không phải là doanh nghiệp. Luật Thương mại quy định và phân biệt trách nhiệm tài sản của thương nhân và trách nhiệm tài sản của nhà đầu tư. Với tư cách là chủ sở hữu của tổ chức kinh doanh, nhà đầu tư (tổ chức, cá nhân đầu tư, góp vốn) có quyền quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty, cơ cấu tổ chức quản lí công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lí công ty, quyết định tăng vốn điều lệ của công ty, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác, quyết định thành lập công ty con, góp vốn vào công ty khác, tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty, quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty, quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty…

Về trách nhiệm của nhà đầu tư, các quy định của Luật Thương mại cho phép xác định phạm vi trách nhiệm tài sản của tổ chức, cá nhân góp vốn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do họ thành lập ra. Nhà đầu tư có thể phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc chỉ chịu TNHH trong phạm vi vốn góp vào doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tuỳ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà họ lựa chọn đầu tư góp vốn.
Thứ tư, Luật Thương mại quy định vấn đê quản trị nội bộ của môi loại hình thương nhân

Các quy định của Luật Thương mại quy định “khung” cơ cấu tổ chức quản lí nội bộ của từng loại hình doanh nghiệp, phù hợp với tính chất một chủ hay nhiều chủ sở hữu, phù họp với quy mô thành viên của doanh nghiệp. Các quy định này cho phép nhận diện thống nhất về bộ máy quản lí, thẩm quyền của mỗi chức danh quản lí trong doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân khi giao dịch thương mại với nhau và thuận tiện trong các quan hệ pháp luật khác. Trên cơ sở “khung” pháp luật về quản trị nội bộ doanh nghiệp mà Luật Thương mại quy định, mỗi doanh nghiệp có thể chi tiết hoá thông qua Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp trên cơ sở không trái với quy định hiện hành.

Thứ năm, Luật Thương mại quy định vấn đề tồ chức lại doanh nghiệp.

Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi doanh nghiệp (gọi chung là tổ chức lại doanh nghiệp) là các nhu cầu tất yếu của doanh nghiệp trước tác động của các yếu tố thị trường. Tổ chức lại doanh nghiệp giúp thương nhân thực hiện các mục tiêu cạnh tranh thông qua các hình thức tập trung kinh tế hoặc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh phù hợp khác. Tổ chức lại doanh nghiệp có thể cho phép hình thành doanh nghiệp mới và chấm dứt doanh nghiệp cũ chỉ về phương diện pháp lí mà không ảnh hưởng đến sự tồn tại vật chất của doanh nghiệp. Điều này tiết kiệm chi phí giải thể doanh nghiệp cũ và thành lập doanh nghiệp mới, song lại đặt ra những vấn đề phức tạp cần có luật điều chỉnh về kế thừa quyền và nghĩa vụ pháp lí, về quyền của chủ sở hữu, về tổ chức, quản lí doanh nghiệp mới, về thủ tục pháp lí… Luật Thương mại với các quy định cụ thể trong pháp luật doanh nghiệp, là cơ sở pháp lí để thương nhân thực hiện các hoạt động này.

Thứ sáu, Luật Thương mại quy định điều kiện, thủ tục rút khỏi thị trường của thương nhân (bao gồm thủ tục giải thế và phá sản doanh nghiệp).

Việc chấm dứt hoạt động và rút khỏi thị trường của thương nhân đòi hỏi thương nhân phải giải quyết các quyền và nghĩa vụ đã tạo lập trong quá trình hoạt động. Lí do chấm dứt hoạt động và khả năng tài chính ở thời điểm chấm dứt hoạt động của thương nhân rất khác nhau, có thể thanh toán hết các khoản nợ hoặc không đủ khả năng thực hiện việc này. Luật Thương mại đã quy định điều kiện và thủ tục giải thể để thương nhân rút khỏi thị trường khi chưa mất khả năng thanh toán và quy định điều kiện, thủ tục phá sản cho những thương nhân mất khả năng thanh toán rút khỏi thị trường. Các quy định pháp luật thương mại về giải thể, phá sản là cơ sở pháp lí để thương nhân thanh lí tài sản, thanh toán nợ và rút khỏi thị trường một cách hợp pháp.

[b] Luật Thương mại quy định về hoạt động thương mại của thương nhân và vấn đề giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại của họ

Hoạt động thương mại là hoạt động thuộc chức năng chính của thương nhân, nằm trong khuôn khổ lí do thành lập và mục tiêu lợi nhuận của thương nhân. Hoạt động thương mại chủ yếu diễn ra trên cơ sở quan hệ hợp đồng, có tự do thoả thuận và thống nhất ý chí và một số các giao dịch khác như tự tổ chức khuyến mại, quảng cáo, tổ chức đấu thầu… Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động thương mại do thương nhân thực hiện trong khuôn khổ quyền tự do hợp đồng, tự do hoạt động thương mại. Xét ở tầm ảnh hưởng, hoạt động thương mại không chỉ liên quan đến lợi ích của thương nhân, đối tác của thương nhân mà còn có những ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, của tổ chức, cá nhân khác, đến sự phát triển hàng hoá, dịch vụ và sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung. Đây là lí do pháp luật cần quy định cơ sở pháp lí cần thiết cho thương nhân tiến hành hoạt động thương mại.

Luật Thương mại quy định về hoạt động thương mại của thương nhân thông qua các văn bản pháp luật cụ thể và với các nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, Luật Thương mại quy định các hoạt động thương mại mà thương nhân được thực hiện, nguyên tắc và điều kiện thực hiện các hoạt động đó.

Luật Thương mại quy định cơ sở pháp lí để thực hiện các hoạt động thương mại cụ thể, bao gồm: Mua bán hàng hoá; Cung ứng dịch vụ thương mại; ủy thác mua bán hàng hoá; Môi giới thương mại; Đại lí thương mại; Đấu thầu hàng hoá, dịch vụ; Đấu giá hàng hoá; Nhượng quyền thương mại; Khuyến mại, quảng cáo và nhiều hoạt động thương mại khác…

Các quy định này vừa là cơ sở pháp lí, vừa là khuôn khổ pháp lí cho sự thoả thuận của các bên. Trong nhiều trường hợp, thoả thuận vượt ra ngoài khuôn khổ luật định sẽ bị coi là vô hiệu.

Thứ hai, Luật Thương mại là cơ sở pháp lí để giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại giữa các thương nhân và giữa thương nhân với các chủ thể khác có liên quan, bao gồm cả quy định xác định quyền hạn và trách nhiệm của các bên, hình thức, cách thức giải quyết tranh chấp giữa họ.

Tranh chấp thương mại bao gồm các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại của thương nhân. Thông qua các vãn bản pháp luật cụ thể, Luật Thương mại cho phép xác định:

– Quyền của thương nhân trong giải quyết tranh chấp thương mại phát sinh giữa họ với nhau hoặc với chủ thể khác có liên quan;

– Nghĩa vụ và hành vi vi phạm hợp đồng của các bên có tranh chấp trong hoạt động thương mại;

– Trách nhiệm pháp lí của bên có hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, biểu hiện ở việc thực hiện các chế tài hợp đồng như phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, huỷ hợp đồng…

– Cách thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại thông qua tự thương lượng, hoà giải, trọng tài thương mại, Toà án.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý đăng ký bản quyền tác giả của Công ty Luật TNHH Everest

2-Khuyến nghị của công ty Luật TNHH Everest:

[a] Bài viết Nội dung của Luật Thương mại Việt Nam được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Nội dung của Luật Thương mại Việt Nam có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments