Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024
Google search engine

Chia doanh nghiệp là gì?

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm rõ được khái niệm chia doanh nghiệp là gì? Dưới đây, Công ty Luật Everest sẽ đưa ra cách hiểu đơn giản nhất về hoạt động chia doanh nghiệp giúp bạn đọc có thể tham khảo.

1- Chia doanh nghiệp

Chia doanh nghiệp là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, theo đó, một doanh nghiệp được chia thành hai hay nhiều doanh nghiệp mới và chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị chia. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị chia được chuyển giao từ doanh nghiệp bị chia sang cho các doanh nghiệp mới.

Chia doanh nghiệp có bản chất từ hoạt động chia pháp nhân theo quy định của luật dân sự. Một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân theo quy định của điều lệ hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, chia doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở quyền tự do kinh doanh nên chỉ được tiến hành trên cơ sở quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp. Khác với chia pháp nhân nói chung, sẽ không có chia doanh nghiệp theo quyết định của cơ quan nhà nước. Trường hợp chia doanh nghiệp nhà nước, quyết định chia doanh nghiệp không thể hiện quyền lực công mà là sự thể hiện quyền lực của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp. Pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp đều ghi nhận quyền này của chủ sở hữu – quyền quyết định số phận pháp lý của doanh nghiệp mà họ thành lập ra.

Khi quyết định việc chia doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp phải quyết định về tất cả các vấn đề liên quan, bao gồm:

– Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị chia, tên các công ty sẽ thành lập;

– Nguyên tắc, cách thức và thủ tục chia tài sản công ty;

– Phương án sử dụng lao động;

– Cách thức phân chia, thời hạn và thủ tục chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị chia sang các công ty mới thành lập;

– Nguyên tắc giải quyết các nghĩa vụ của công ty bị chia;

– Thời hạn thực hiện chia công ty;

– Thông qua điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc…

Xem thêm: Pháp lý tái cấu trúc doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

Về cách thức chia doanh nghiệp: Việc chia doanh nghiệp tiến hành theo cách thức chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới. Tùy thuộc sự lựa chọn và quyết định của chủ sở hữu, có thể chia một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chia sang cho các công ty mới theo tỉ lệ sở hữu trong công ty bị chia và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới. Cách thức khác có thể sử dụng để chia doanh nghiệp là chuyển toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới.

Thủ tục chia doanh nghiệp được thực hiện với các bước cơ bản là:

– Chủ sở hữu quyết định việc chia doanh nghiệp, nội dung, cách thức chia doanh nghiệp (gọi chung là phương án chia doanh nghiệp);

” Thông qua điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp mới;

– Thực hiện phân chia theo phương án đã quyết;

– Tiến hành đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp mới và cập nhật tình trạng của doanh nghiệp bị chia trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, chia doanh nghiệp có các đặc điểm cơ bản như sau:

– Chủ sở hữu doanh nghiệp là người quyết định việc chia doanh nghiệp;

– Doanh nghiệp cũ được chia thành hai hay nhiều doanh nghiệp mới;

– Doanh nghiệp cũ chấm dứt tồn tại khi doanh nghiệp mới chính thức ra đời (thời điểm là doanh nghiệp mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp);

– Doanh nghiệp bị chia và doanh nghiệp mới có thể là những doanh nghiệp cùng loại hình nhưng điều này là không bắt buộc. Tuy nhiên, cần lưu ý cơ sở pháp lý tại thời điểm chia doanh nghiệp, vì rằng, luật pháp hiện hành có thể chỉ quy định doanh nghiệp nào được chia và chia thành những loại nào. Các trường hợp pháp luật chưa quy định thì chưa có cơ sở pháp lý để tiến hành. Ví dụ: Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có quy định về chia công ty hợp danh và doanh nghiêp tư nhân, do vậy, không thể thực hiện được việc chia các doanh nghiệp này trên thực tế;

– Về trách nhiệm tài sản: Do có sự chuyển giao quyền và nghĩa vụ từ doanh nghiệp bị chia, các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện các nghĩa vụ này.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Sáp nhập và Mua lại doanh nghiệp (M&A) của Công ty Luật TNHH Everest

2- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Chia doanh nghiệp là gì? được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Chia doanh nghiệp là gì? có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments