Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024
Google search engine
HomeDân sựKhái niệm nghĩa vụ

Khái niệm nghĩa vụ

Nghĩa vụ, theo nghĩa chung nhất là việc mà theo quy định của pháp luật hay vì đạo đức mà bắt buộc phải làm hoặc không được làm đối với xã hội, đối với người khác. Theo cách hiểu này thì nghĩa vụ là mối liên hệ giữa hai hay nhiều người với nhau, trong đó một bên phải thực hiện hoặc không được thực hiện một hoặc một sổ hành vi nhất định vì lợi ích của bên kia.

Việc một bên phải thực hiện hoặc không được thực hiện một số hành vi nhất định có thể không được đặt dưới sự bảo đảm của nhà nước bằng pháp luật, pháp luật không buộc người đó phải thực hiện, họ thực hiện công việc đó hoàn toàn theo lương tâm và vì uy tín của mình. Ở phương diện này, nghĩa vụ được điều chỉnh bởi các quy phạm đạo đức và thuộc về nghĩa vụ đạo đức. Chẳng hạn, giúp người già qua đường, giúp đỡ người tàn tật, nhường chỗ cho người già, phụ nữ trên xe buýt… là những công việc phải làm vì đạo đức.

Những công việc phải làm hoặc không được phép làm theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ pháp luật nói chung. Trong đó, các công việc phải làm hoặc không được phép làm theo quy định của pháp luật dân sự là nghĩa vụ dân sự.

Nghĩa vụ có thể được hiểu là một bộ phận không tách rời trong nội dung của một quan hệ pháp luật dân sự. Bao gồm những hành vi mà một bên chủ thể phải thực hiện vì lợi ích của chủ thể bên kia như chuyển giao tài sản, thực hiện một công việc hoặc không được thực hiện một công việc đã được các bên tham gia quan hệ đó hoặc pháp luật xác định v.v. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện các nghĩa vụ trước quyền yêu cầu của phía bên kia.

Mặt khác, nghĩa vụ còn được hiểu là một quan hệ pháp luật, trong đó quyền dân sự và các nghĩa vụ dân sự của các bên chủ thể phát sinh từ quan hệ đó phải được thực hiện dưới sự đảm bảo của pháp luật.

Các BLDS của Việt Nam thời Pháp thuộc (Bộ dân luật Bắc kì năm 1931 và Bộ dân luật Trung kì năm 1936) đã có những định nghĩa về nghĩa vụ dân sự:

Điều 644 Bộ luật dân luật Bắc kì năm 1931 có quy định“Nghĩa vụ dân sự là mối liên lạc về luật thực tại hay luật thiên nhiên, bó buộc một hay nhiều người phải làm hay đừng làm sự gì đối với một hay nhiều người nào đó. Người bị bó buộc vào nghĩa vụ gọi là người mắc nợ, người được hưởng nghĩa vụ gọi là người chủ nợ.

Điều 675 Bộ dân luật Trung kì năm 1936 có ghi “Nghĩa vụ là cái dây liên lạc về luật thực tại hay luật thiên nhiên bó buộc một hay nhiều người phải làm hay đừng làm sự gì đối với một hay nhiều người nào đó, người bị bó buộc là người mắc nợ hay trái hộ, người được hưởng là chủ nợ hay trái chủ”.

Điều 642 Bộ dân luật Bẳc kì năm 1931 viết rằng “Nghĩa vụ về luật thiên nhiên thì không thế to tụng trước tòa án được”.

Điều 677 Bộ dân luật Trung kì năm 1936 quy định “Nghĩa vụ thuộc về luật thiên nhiên là nghĩa vụ không thể cưỡng bách thi hành”.

Theo quy định trong hai Bộ dân luật nói trên thì ngoài nghĩa vụ thuộc về luật thực tại còn bao gồm nghĩa vụ thuộc về luật thiên nhiên. Thực ra, nghĩa vụ thuộc về luật thiên nhiên chỉ được đưa vào khái niệm cho hợp với truyền thống và phong tục của người Á Đông mà hoàn toàn không có sự cưỡng chế của pháp luật. Vì vậy, dù đã được quy định trong Bộ luật nhưng nghĩa vụ thuộc về luật thiên nhiên (nghĩa vụ tự nhiên) vẫn chỉ là nghĩa vụ luân lí.

Nghĩa vụ được định nghĩa tại Điều 274 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau: “Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyến giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).


“Tổng hợp từ Giáo trình Luật Dân sự 2 (Trường Đại học Luật Hà Nội) và một số nguồn khác”
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments