Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024
Google search engine
HomeHình sựVi phạm hình sự

Vi phạm hình sự

Vi phạm hình sự, hay còn được biết đến với một thuật ngữ dễ hiểu hơn đó là “tội phạm”, hay thuật ngữ này được sử dụng với lớp nghĩa tương đương nhau.

1. Khái niệm vi phạm hình sự

Khái niệm vi phạm hình sự chính là khái niệm của tội phạm,theo đó có thể hiểu rằng: “Vi phạm hình sự (hay còn gọi là tội phạm)  là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.”

2. Các dấu hiệu của vi phạm hình sự.

Tội phạm, theo luật hình sự Việt Nam, phải là hành vi của con người. Những gì mới chỉ trong tư tưởng, chưa thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi thì không thể là tội phạm. Chỉ qua hành vi của mình, con người mới có thể gây ra thiệt hại, gây ra sự nguy hiểm cho xã hội và những gì trong ý nghĩ, trong tư tưởng của con người cũng chỉ có thể được xác định qua chính những biểu hiện bên ngoài mà trước hết là qua chính hành vi của họ. Trong luật hình sự Việt Nam, sự xác nhận tội phạm chỉ có thể là hành vi được coi là một trong những nguyên tắc cơ bản. Đó là “nguyên tắc hành vi”

(i) Dấu hiệu nguy hiểm cho xã hội.

Tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản, quan trọng nhất, quyết định những dấu hiệu khác của tội phạm. Do có tính nguy hiểm cho xã hội nên hành vi được quy định trong luật hình sự là tội phạm và phải chịu hình phạt. Nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu về nội dung của tội phạm. Dấu hiệu này quy định dấu hiệu về hình thức của tội phạm là dấu hiệu được quy định trong luật hình sự. Những định nghĩa tội phạm có dấu hiệu nguy hiểm cho xã hội được gọi là định nghĩa tội phạm về nội dung. Trái lại, những định nghĩa tội phạm không có dấu hiệu này được gọi là định nghĩa tội phạm về hình thức. Nguy hiểm cho xã hội bao gồm tính gây thiệt hại về khách quan và tính có lỗi về chủ quan. Trong đó, tính gây thiệt hại có nghĩa là gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.

Tính có lỗi tuy là bộ phận hợp thành của tính nguy hiểm cho xã hội nhưng để nhấn mạnh nguyên tắc có lỗi, BLHS Việt Nam đã tách tính có lỗi thành dấu hiệu độc lập. Do vậy, nội dung về tính có lỗi được trình bày ở phần tiếp theo. Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là thuộc tính khách quan. Một hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội hay không cũng như tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó ở mức độ nào hoàn toàn phụ thuộc vào các yếu tố khách quan. Đó có thể là:

– Tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại;

– Tính chất của hành vi khách quan, trong đó bao gồm cả thủ đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện hành vi;

– Tính chất, mức độ thiệt hại gây ra hoặc đe dọa gây ra ;

– Tính chất, mức độ lỗi;

– Tính chất của động cơ, mục đích phạm tội.

(ii) Đặc điểm của lỗi

Lỗi là thái độ chủ quan của con người đối với hành vi (có tính gây thiệt hại cho xã hội) của mình và đối với hậu quả của hành vi đó thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý. Người thực hiện hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi nếu họ đã lựa chọn và thực hiện trong khi họ có đủ điều kiện lựa chọn xử sự khác không gây thiệt hại cho xã hội.

Khi xác định “có lỗi” là một dấu hiệu của tội phạm cùng với dấu hiệu “nguy hiểm cho xã hội”, BLHS muốn nhấn mạnh nguyên tắc có lỗi. Luật hình sự Việt Nam không chấp nhận việc quy tội khách quan, nghĩa là truy cứu TNHS chỉ căn cứ vào việc một người đã thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà không căn cứ vào lỗi của họ. Việc áp dụng hình phạt không chỉ nhằm mục đích trừng trị mà qua đó còn nhằm mục đích giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, phòng ngừa tội phạm xảy ra. Mục đích giáo dục này chỉ có thể đạt được khi hình phạt được áp dụng cho người có lỗi. Đối với người không có lỗi, hình phạt không thể phát huy được tác dụng giáo dục. Do vậy, “có lỗi” phải được xác định là một nguyên tắc của luật hình sự và cần được coi là một dấu hiệu quan trọng của tội phạm.

(iii) Đặc điểm được quy định trong Luật hình sự.

Theo Điều 8 BLHS, hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ có thể bị coi là tội phạm nếu “… được quy định trong BLHS…”. Như vậy, tính được quy định trong luật hình sự là dấu hiệu đòi hỏi phải có ở hành vi bị coi là tội phạm. Việc xác định tội phạm phải được luật hình sự quy định là sự thừa nhận nguyên tắc đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyển của Liên họp quốc: “Không ai bị kết án vì một hành vi mà lúc họ thực hiện luật pháp quốc gia hay quốc tế không coi là tội phạm” (khoản 2 Điều 11). Trong sự thống nhất với việc xoá bỏ nguyên tắc tương tự và cấm hồi tố, việc khẳng định dấu hiệu này của tội phạm là biểu hiện cụ thể của nguyên tắc pháp chế.

Luật hình sự Việt Nam coi tính được quy định trong luật hình sự là dấu hiệu của tội phạm nhưng không phải là dấu hiệu duy nhất mà chỉ là dấu hiệu biểu hiện mặt hình thức pháp lí của tính nguy hiểm cho xã hội – dấu hiệu cơ bản của tội phạm. Hai dấu hiệu – tính nguy hiểm cho xã hội và tính được quy định trong luật hình sự có quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức. Dấu hiệu được quy định trong luật hình sự tuy có tính độc lập tương đối nhưng vẫn là dấu hiệu được xác định bởi tính nguy hiểm cho xã hội. Chỉ trên cơ sở thừa nhận tính nguy hiểm cho xã hội, kết hợp tính nguy hiểm cho xã hội và tính được quy định trong luật hình sự mới có thể nhận thức được một cách đầy đủ dấu hiệu được quy định trong luật hình sự.

(iv) Dấu hiệu “do người có đủ năng lực trách nhiệm hính sự thực hiện.

Đây là dấu hiệu về chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Theo đó, chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải là người có năng lực TNHS. Đó là người đủ tuổi chịu TNHS theo quy định của luật và không thuộc trường hợp mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi do mắc bệnh. Năng lực TNHS là năng lực pháp lí được Nhà nước xác định và thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước. Do có ý nghĩa như vậy nên dấu hiệu về chủ thể cần được coi là một dấu hiệu của tội phạm, mặc dù dấu hiệu này thực ra đã được phản ánh qua dấu hiệu được quy định trong luật hình sự vì trong nội dung “được quy định” đã có nội dung về chủ thể.

(v) Dấu hiệu phải chịu hình phạt.

Nói tội phạm có tính chịu hình phạt có nghĩa là bất cứ hành vi phạm tội nào, do tính nguy hiểm cho xã hội cũng đều bị đe dọa phải chịu hình phạt là biện pháp cưỡng chế nhà nước có tính nghiêm khắc nhất trong hệ thống những biện pháp cưỡng chế nhà nước. Nhưng điều đó không có nghĩa là việc áp dụng phạm – vì nguy hiểm cho xã hội và được quy định trong luật hình sự. Như vậy, tính phải chịu hình phạt là dấu hiệu kèm theo của tính nguy hiểm cho xã hội và tính được quy định trong luật hình sự. Tính nguy hiểm cho xã hội vừa là cơ sở của việc phân hoá tính chịu hình phạt trong luật vừa là cơ sở để cá thể hoá hình phạt trong áp dụng luật hình sự. Tính chịu hình phạt được coi là dấu hiệu của tội phạm vì nó được xác định bởi chính những thuộc tính khách quan bên trong của tội phạm. Chỉ có hành vi phạm tội mới phải chịu biện pháp trách nhiệm là hình phạt; không cổ tội phạm thì cũng không có hình phạt. Đây là lí do để coi “phải chịu hình phạt” là một đặc điểm của tội phạm. BLHS năm 2015 bổ sung đặc điểm “phải bị xử lí hình sự” trong định nghĩa khái niệm tội phạm tại Điều 8 mà không sử dụng đặc điểm “phải chịu hình phạt” vì cho rằng biện pháp xử lí hình sự không chỉ là hình phạt mà còn gồm cả các biện pháp hình sự phi hình phạt. Tuy nhiên, hình phạt vẫn là biện pháp xử lí hình sự cơ bản có tính đặc trưng. Xét về bản chất, đặc điểm “phải bị xử lí hình sự” và đặc điểm “phải chịu hĩnh phạt” không có sự khác nhau. Đặc điểm “phải bị xử lí hình sự” phản ánh bao quát hơn còn đặc điểm “phải chịu hình phạt” phản ánh được nội dung chính có tính đặc trưng, cụ thể của biện pháp hình sự.

3. Ý nghĩa của khái niệm tội phạm

Khái niệm tội phạm được coi là khái niệm cơ bản nhất trong luật hình sự Việt Nam. Khái niệm này một mặt là cơ sở thống nhất cho việc xác định những tội phạm cụ thể trong Phần các tội phạm của BLHS, mặt khác cũng trực tiếp thể hiện nhiều nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam. Nội dung của khái niệm tội phạm là điều kiện cần thiết có tính nguyên tắc để giới hạn giữa tội phạm và không phải là tội phạm, giữa TNHS và những trách nhiệm pháp lí khác. Khái niệm tội phạm là cơ sở để xây dựng phần quy định của những điều luật thuộc Phần các tội phạm và đồng thời qua đó cũng là cơ sở để quy định các khung hình phạt tương ứng cho từng tội phạm. Trong áp dụng luật hình sự, các cơ quan có thẩm quyền tuy dựa vào các điều luật thuộc Phần các tội phạm để xác định tội phạm cụ thể nhưng việc nhận thức các điều luật này cũng đòi hỏi phải dựa trên sự nhận thức đúng và đầy đủ về bản chất cũng như những đặc điểm của tội phạm nói chung. Có quan niệm đúng về tội phạm mới xây dựng và áp dụng đúng pháp luật hình sự. Khái niệm tội phạm được coi là khái niệm cơ bản nhất còn bởi lí do những khái niệm khác tuy là những khái niệm độc lập nhưng cũng chỉ là những khái niệm có tính chất cụ thể hoá khái niệm tội phạm và hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung của khái niệm tội phạm.

Tổng hợp từ “Giáo trình Luật hình sự Việt Nam phần chung” và một số nguồn tham khảo khác
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments