Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Google search engine
HomeDân sựThực hiện nghĩa vụ

Thực hiện nghĩa vụ

1. Khái niệm thực hiện nghĩa vụ

Một trong những đặc trưng cơ bản của nghĩa vụ là tính chất tương ứng và đổi lập nhau về quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Do vậy, quyền lợi của bên này chỉ đạt được khi bên kia thực hiện các hành vi mang tính nghĩa vụ đã được hai bên xác định hoặc pháp luật quy định trong nội dung của quan hệ nghĩa vụ ẩy. Kể từ khi một quan hệ nghĩa vụ được thiết lập (từ hợp đồng dân sự hoặc từ các căn cứ khác), các bên có nghĩa vụ đối với nhau. Nghĩa vụ này có thể là một hành vi, có thể gồm nhiều hành vi khác nhau. Các hành vi đó có thể phải tiến hành cùng một lúc, vào cùng một thời điểm hoặc có thể được tiến hành theo một quá trình trong một thời hạn nhất định. Việc thực hiện nghĩa vụ diễn ra như thế nào phụ thuộc vào nội dung và tính chất của từng quan hệ nghĩa vụ cụ thể. Tuy nhiên, có thể khái quát việc thực hiện nghĩa vụ dân sự như sau: Thực hiện nghĩa vụ là việc người có nghĩa vụ phải làm hoặc không được làm một công việc theo một thời hạn nhất định đã được xác định trong nội dung của quan hệ nghĩa vụ, qua đó thoả mãn quyền dân sự tương ứng của bên kia.

2. Nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ

Việc thực hiện nghĩa vụ của các bên trong một quan hệ nghĩa vụ không chỉ nhằm thoả mãn những nhu cầu về vật chất, văn hoá tinh thần của mỗi bên mà còn phải hướng tới lợi ích chung của toàn xã hội. Đồng thời còn thể hiện việc chấp hành pháp luật, thể hiện tinh thần tôn trọng truyền thống đạo đức xã hội của các chủ thể trong quá trình thực hiện các giao dịch dân sự. Việc thực hiện nghĩa vụ phải theo nguyên tắc chung được quy định tại Điều 3 BLDS năm 2015: “1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đổi xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

  • 2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyển, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyên cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
  • 3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
  • 4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyển, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
  • 5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự”

3. Nội dung thực hiện nghĩa vụ

(i) Thực hiện đúng địa điểm

Địa điểm thực hiện nghĩa vụ là nơi mà tại đó người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Các bên có thể căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện mà thoả thuận địa điểm thực hiện nghĩa vụ là nơi ở của bên này hay bên kia hoặc tại một nơi bất kì nào đó. Người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng nơi mà hai bên đã xác định. Trong những trường họp các bên không có thoả thuận về địa điểm thực hiện nghĩa vụ thì theo quy định của pháp luật, người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ tại nơi có bất động sản nếu đối tượng của nghĩa vụ là bất động sản; hoặc tại nơi cư trú hay trụ sở của người có quyền nếu đối tượng của nghĩa vụ dân sự không phải là bất động sản. Việc xác định địa điểm thực hiện nghĩa vụ quan trọng đối với các bên vì nó là cơ sở để xác định ai là người phải chịu chi phí vận chuyển cũng như ai là người phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền

(ii) Thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ là một thời điểm hay một khoảng thời gian nhất định mà trong thời điểm hoặc khoảng thời gian đó người có nghĩa vụ phải hoàn thành nghĩa vụ của mình nhằm thoả mãn lợi ích của bên có quyền. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ có ý nghĩa quan trọng. Trong rất nhiều trường hợp, hợp đồng dân sự chỉ đáp ứng được quyền lợi cho các bên nếu nó được người có nghĩa vụ thực hiện đúng thời hạn. Đồng thời, thời hạn thực hiện nghĩa vụ còn là mốc thời gian để xác định thời hạn khởi kiện của các bên khi có tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ. Ngoài ra, thông qua thời hạn thực hiện nghĩa vụ để xem xét hành vi vi phạm và xác định trách nhiệm dân sự đối với người vi phạm nghĩa vụ.

Tuỳ thuộc vào tính chất, nội dung của quan hệ nghĩa vụ cũng như điều kiện, hoàn cảnh của mình mà các bên có thể thoả thuận về thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Khi thời hạn đã được xác định theo thoả thuận thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn đó. Trong trường hợp các bên không xác định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ sẽ được thực hiện vào bất cứ lúc nào khi một trong hai bên có yêu cầu. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các bên thực hiện nghĩa vụ một cách thuận lợi thì khi yêu cầu thực hiện nghĩa vụ, các bên phải thông báo cho nhau biết trước trong một thời gian hợp lí. Vì vậy, trong những trường hợp này khoảng thời gian hợp lí đó được coi là thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Nếu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn đã được xác định mà người có quyền đồng ý và đã tiếp nhận sự thực hiện thì nghĩa vụ được xem như đã thực hiện đúng thời hạn. Mặt khác, khi bên có nghĩa vụ không thể thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, các bên có thể thoả thuận để hoãn việc thực hiện nghĩa vụ (thực chất là kéo dài thời hạn) thì nghĩa vụ được hoàn thành trong thời hạn kéo dài đó cũng được coi là thực hiện đúng thời hạn. Nếu các bên thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về việc thực hiện nghĩa vụ theo định kì thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng định kì đó. Việc chậm thực hiện nghĩa vụ theo từng kì cũng bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ.

(iii) Thực hiện đúng đối tượng

Thực hiện đúng đối tượng là thực hiện nghĩa vụ đúng với những công việc mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật đã quy định. Đối tượng của nghĩa vụ bao gồm nhiều loại khác nhau nên cần phải dựa vào từng loại đối tượng cụ thể để xác định người có nghĩa vụ đã thực hiện đúng đối tượng hay chưa. Khi đối tượng của nghĩa vụ là một vật thì người có nghĩa vụ giao vật chỉ được coi là thực hiện đúng đổi tượng trong những trường hợp sau đây:

  • – Đối tượng là vật đặc định mà người có nghĩa vụ đã giao đúng vật và đúng với tình trạng của vật như hai bên đã xác định.
  • – Đối tượng là vật cùng loại và các bên chưa thoả thuận về chất lượng nhưng người có nghĩa vụ đã giao vật đó đúng với chất lượng trung bình và đủ về số lượng, trọng lượng, khối lượng như đã được xác định.
  • – Đối tượng là vật đồng bộ, cùng chủng loại mà bên có nghĩa vụ đã giao vật đó đồng bộ, đúng chủng loại như đã được xác định.

Khi đối tượng của nghĩa vụ là một công việc phải làm hoặc một công việc không được làm mà người có nghĩa vụ đã làm hoặc không làm công việc đó theo đúng cam kết của các bên mới được coi là thực hiện đúng đối tượng Khi đối tượng của nghĩa vụ là một khoản tiền thì người có nghĩa vụ chỉ được coi là thực hiện đúng đối tượng khi đã giao bên kia đủ số tiền đúng thời hạn, đúng địa điểm và theo phương thức mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật đã quy định.

(iv) Thực hiện nghĩa vụ đúng phương thức.

Phương thức thực hiện nghĩa vụ là những cách thức, biện pháp mà thông qua đó người có nghĩa vụ tiến hành các hành vi của mình nhằm đáp ứng quyền lợi cho người có quyền. Việc thực hiện nghĩa vụ phải tuân theo cách thức do các bên tự thoả thuận. Thông thường, các bên tự xác định với nhau về nghĩa vụ được thực hiện như thể nào, bằng cách nào, bằng một lần hay nhiều lần, theo một thời hạn cụ thể hay theo định kì, người có nghĩa vụ trực tiếp thực hiện công việc hay được thông qua người thứ ba, phải thực hiện đúng nghĩa vụ đã xác định hay được thực hiện một nghĩa vụ khác để thay thế V.V.. Trong những trường hợp các bên không có thoả thuận thì việc thực hiện nghĩa vụ phải theo phương thức do pháp luật quy định.

(v) Thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba

Điều 283 BLDS năm 2015 quy định:

“Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể uỷ quyển cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ ”.

Theo điều luật này thì bên có nghĩa vụ chỉ được thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba nếu có sự “đồng ý” của bên có quyền. Quy định này chỉ mang tính nguyên tắc chung. Trong thực tế, việc có thể thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba hay không và khi thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba có cần sự đồng ý của bên có quyền hay không hoàn toàn phụ thuộc vào đối tượng của nghĩa vụ là gì. Vì vậy, cần xác định theo các trường hợp sau đây:

  • – Nếu nghĩa vụ là việc chuyển giao tài sản như chuyển giao vật, trả tiền thì bên có nghĩa vụ hoàn toàn có quyền thông qua người thứ ba để thực hiện công việc đó mà không cần sự đồng ý của bên có quyền miễn việc chuyển giao vật, trả tiền được người thứ ba thực hiện đúng với nội dung mà hai bên trong quan hệ nghĩa vụ đã thoả thuận hoặc pháp luật đã quy định.
  • – Nếu nghĩa vụ là một công việc phải thực hiện thì chỉ được thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba khi bên có quyền đồng ý nhưng bên có nghĩa vụ vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

– Nếu nghĩa vụ là một công việc không được thực hiện thì chính bên có nghĩa vụ phải chịu một sự bất động theo nội dung đã thoả thuận nên không thể thực hiện nghĩa vụ này thông qua người thứ ba.

(vi) Thực hiện nghĩa vụ có điều kiện

Nghĩa vụ có điều kiện là nghĩa vụ mà trong đó các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về các sự kiện là điều kiện thực hiện nghĩa vụ, theo đó bên có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi sự kiện đó đã phát sinh. Thông thường, trong các quan hệ nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ khi đến thời hạn. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghĩa vụ được hình thành từ các thoả thuận có tính chất “may rủi” thì bên có nghĩa vụ có phải thực nghĩa vụ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự “may rủi” đó. Chẳng hạn, bên phát hành xổ số chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền thưởng khi bên mua xổ số đã trúng giải, bên bảo hiểm chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra. Trong những trường hợp trên thì sự kiện “trúng giải” của người mua xổ số, “sự kiện bảo hiểm” là các điều kiện thực hiện nghĩa vụ.

(vii) Thực hiện nghĩa vụ có đối tượng tùy ý lựa chọn

Nghĩa vụ có đối tượng tuỳ ý lựa chọn là nghĩa vụ mà đối tượng là một trong nhiều tài sản hoặc công việc khác nhau và bên có nghĩa vụ có thể tuỳ ý lựa chọn để thực hiện nghĩa vụ. Chẳng hạn, trong thuê khoán tài sản, bên thuê khoán có thể trả phí thuê khoán tài sản bằng hiện vật hoặc bằng tiền. Trừ trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định khác. Khi thực hiện nghĩa vụ, bên có nghĩa vụ phải thông báo cho bên có quyền biết về việc tài sản hoặc công việc được lựa chọn để thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp chỉ còn một tài sản hoặc một công việc thì bên có nghĩa vụ phải giao tài sản đó hoặc thực hiện công việc đó.

(viii) Thực hiện nghĩa vụ thay thế được

Điều 286 BLDS năm 2015 đã định nghĩa: “Nghĩa vụ dân sự thay thế được là nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ ban đầu thì có thể thực hiện một nghĩa vụ khác đã được bên có quyền chấp nhận để thay thế nghĩa vụ dân sự đó”. Như vậy, khác với nghĩa vụ có đối tượng tuỳ ý lựa chọn, người có nghĩa vụ chỉ được thay thế nghĩa vụ khi được bên có quyền chấp nhận, Theo đó, một nghĩa vụ này được thay thế bằng một nghĩa vụ khác. Chẳng hạn, thay nghĩa vụ trả tiền bằng nghĩa vụ thực hiện một công việc.

(ix) Thực hiện nghĩa vụ riêng rẽ

Nếu nhiều người cùng phải thực hiện một nghĩa vụ nhưng được xác định là nghĩa vụ riêng rẽ thì mỗi người trong số họ chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình. Người nào thực hiện xong phần nghĩa vụ của mình thì chấm dứt nghĩa vụ với bên có quyền.

(x) Thực hiện nghĩa vụ liên đới

Khi nghĩa vụ được xác định là nghĩa vụ liên đới và có nhiều người có nghĩa vụ thì những người đó được gọi là người có nghĩa vụ liên đới. Vì vậy, người có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong sổ họ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Nếu một trong số những người có nghĩa vụ thực hiện phần nghĩa vụ của họ mà những người khác chưa thực hiện thì quan hệ nghĩa vụ giữa người đã thực hiện với người có quyền vẫn chưa được coi là chẩm dứt. Nghĩa là, người có nghĩa vụ không những phải thực hiện phần của mình mà còn phải thực hiện thay cho người có nghĩa vụ khác khi người đó không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

Nếu một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì quan hệ nghĩa vụ dân sự liên đới giữa những người có nghĩa vụ (kể cả những người chưa thực hiện) với người có quyền được chấm dứt. Đồng thời, sẽ phát sinh một nghĩa vụ hoàn lại, trong đó người đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu người chưa thực hiện nghĩa vụ phải thanh toán phần nghĩa vụ mà người này đã thực hiện thay cho họ. Nếu người có quyền đã chỉ định một trong sổ những người có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nội dung của nghĩa vụ mà sau đó lại miễn việc thực hiện cho người đó thì nghĩa vụ dân sự được chấm dứt toàn bộ. Mặt khác, nếu người có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới với riêng phần của họ thì những người khác vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ còn lại.

Khi quan hệ nghĩa vụ được xác định là nghĩa vụ liên đới mà có nhiều người có quyền thì họ được gọi là người có quyền liên đới. Vì vậy, một trong số những người đó đều có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ dân sự phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ mà không cần có sự uỷ quyền của những người có quyền liên đới khác. Nghĩa là, người có quyền không những có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với phần quyền của mình mà còn có quyền yêu cầu bên đó phải thực hiện trước mình phần nghĩa vụ đối với những người có quyền khác.

Người có nghĩa vụ có thể thực hiện nghĩa vụ cho từng người có quyền nhưng cũng có thể thực hiện toàn bộ nghĩa vụ cho một trong số những người có quyền liên đới. Khi nghĩa vụ được thực hiện xong, dù rằng việc thực hiện đó chỉ cho một người có quyền thì nghĩa vụ dân sự liên đới vẫn chấm dứt toàn bộ. Đồng thời phát sinh một nghĩa vụ hoàn lại, trong đó người có quyên nào đã tiêp nhận sự thực hiện nghĩa vụ phải thanh toán cho những người có quyền khác phần quyền mà mình đã nhận thay họ.

Nếu một trong số những người có quyền liên đới miễn cho người có nghĩa vụ việc thực hiện nghĩa vụ đối với phần quyền của mình thì người có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đổi với những người có quyền liên đới khác. Nếu một trong số những người có quyền liên đới miễn cho riêng một người trong số những người có nghĩa vụ đối với riêng phần quyền của mình thì riêng người có nghĩa vụ được chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới với riêng phần của họ thì những người khác vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ còn lại.

(xi) Thực hiện nghĩa vụ theo phần

Trong các quan hệ nghĩa vụ mà đối tượng của nghĩa vụ là vật chia được thì bên có nghĩa vụ có thể thực hiện nghĩa vụ giao vật đó theo từng phần, thành nhiều lần khác nhau miễn là việc giao vật phải hoàn thành đúng thời hạn đã thoả thuận, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Chẳng hạn, khi hai bên trong họp đồng mua bán 100 tấn xi măng có thoả thuận, bên bán phải giao đủ hàng trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng thì bên bán có thể giao thành nhiều lần khác nhau miễn rằng phải giao đủ 100 tấn trong thời hạn đã thoả thuận. Trong các quan hệ nghĩa vụ có đối tượng là một công việc phải thực hiện mà công việc đó có thể chia thành nhiều phần để thực hiện thì bên có nghĩa vụ có thể chia công việc đó thành nhiều phần khác nhau để thực hiện. Chẳng hạn, bên xây dựng công trình có thể chia công trình đó theo từng hạng mục khác nhau để thực hiện trong thời hạn đã thảo thuận.

(xii) Thực hiện nghĩa vụ không phân chia được theo phần

Trong các quan hệ nghĩa vụ mà đối tượng của nghĩa vụ là vật không chia được thì bên có nghĩa vụ phải giao vật đó vào cùng một lúc. Chẳng hạn, nếu đối tượng của nghĩa vụ là một dây chuyền sản xuất, bên bán có thể vận chuyển đến địa điểm giao vật bằng nhiều chuyến nhưng chỉ được coi là đã thực hiện xong nghĩa vụ giao vật khi khi đã lắp ráp vật đó thành một chỉnh thể có thể hoạt động được. Trong các nghĩa vụ có đối tượng là công việc mà công việc đó không thể tách ra để thực hiện theo phần thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện phải được thực hiện cùng một lúc. Trong trường hợp nhiều người cùng phải thực hiện một nghĩa vụ không phân chia được thì họ phải thực hiện nghĩa vụ cùng một lúc.

“Tổng hợp từ Giáo trình Luật Dân sự 2 (Trường Đại học Luật Hà Nội) và một số nguồn khác”
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments