Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024
Google search engine
HomeDân sựHợp đồng gửi giữ tài sản

Hợp đồng gửi giữ tài sản

1. Khái niệm hợp đồng gửi giữ tài sản

Trong sinh hoạt hàng ngày, gửi giữ tài sản là một loại dịch vụ phát triển ở noi công cộng như siêu thị, trường học, chợ, rạp chiếu phim, tại các cửa hàng, cửa hiệu… Tuy nhiên, việc gửi giữ tài sản ở những nơi công cộng như vậy phải thông qua hợp đồng gửi giữ mà vé gửi tài sản chính là hình thức của hợp đồng. Trong quan hệ xã hội, việc gửi giữ thường mang tính tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa những người thân quen, láng giềng.. .

Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên nhận giữ có nghĩa vụ giữ gìn, bảo quản tài sản trong một thời gian nhất định. Bên gửi tài sản có nghĩa vụ trả thù lao cho bên nhận gửi theo thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Trong thực tế, hợp đồng gửi giữ tài sản có thể có đền bù hoặc không có đền bù. Nếu gửi giữ tại những nơi làm dịch vụ thì hợp đồng có đền bù. Bên nhận giữ tài sản có đăng kí kinh doanh dịch vụ gửi giữ hoặc được ủy ban nhân dân có thẩm quyền cho phép làm dịch vụ. Trong cuộc sống, sinh hoạt tại một cộng đồng, việc gửi giữ tài sản mang tính chất tương trợ giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết khó khăn tạm thời nên không có tính chất đền bù.

2. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng gửi giữ tài sản

– Hợp đồng gửi giữ tài sản là hợp đồng song vụ. Bên giữ có quyền yêu cầu bên nhận giữ phải bảo quản tài sản gửi giữ và trả lại tài sản khi hết hạn hợp đồng hoặc theo yêu cầu. Bên nhận giữ có quyền yêu cầu bên gửi phải nhận lại tài sản, khi hết hạn hợp đồng và trả tiền gửi tài sản theo thoả thuận.

Đối với những hợp đồng không đền bù, bên gửi có nghĩa vụ thông báo về tình trạng tài sản… Bên nhận giữ có nghĩa vụ bảo quản tài sản, tránh mất mát, hư hỏng.

– Hợp đồng gửi giữ tài sản là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù. Nếu hợp đồng gửi giữ tài sản mà bên nhận giữ nhận tiền công là hợp đồng có đền bù. Nếu bên nhận giữ không nhận tiền thù lao cho việc giữ tài sản, hợp đồng không có đền bù.

3. Đối tượng của hợp đồng gửi giữ tài sản

Đối tượng của hợp đồng gửi giữ tài sản là tài sản được tự do lưu thông. Đối với tài sản khó bảo quản hoặc tài sản có tính chất dễ cháy, độc hại… thì người gửi giữ phải đóng gói theo quy định của pháp luật. Người nhận giữ tài sản phải có đầy đủ các phương tiện như kho, bãi, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn cho tài sản và đề phòng những trường hợp rủi ro xảy ra. Đối tượng của hợp đồng gửi giữ có thể là động sản hoặc bất động sản.

4. Ý nghĩa

Gửi giữ tài sản là một dịch vụ phổ biến ở các thành phố, thị xã, thị trấn hiện nay, đặc biệt là dịch vụ gửi giữ xe đạp, xe máy ở những nơi công cộng. Mạng lưới dịch vụ này phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong sinh hoạt hàng ngày, giảm bớt được sự mất mát và bảo đảm sự an toàn cho tài sản.

Trong cuộc sống, quan hệ gửi giữ giữa các cá nhân mang đặc điểm riêng là không có đền bù. Những việc làm đó cần được động viên khuyến khích. Tuy nhiên, cũng cần phải điều chỉnh bằng pháp luật, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm dân sự khi tài sản bị hư hỏng, mất mát do lỗi của bên nhận giữ. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của bên nhận giữ tài sản, hạn chế những trường hợp lạm dụng tín nhiệm để sử dụng, chiếm đoạt tài sản trái phép.

5. Quyền và nghĩa vụ của các bên

(i) Bên giữ tài sản

Bên giữ tài sản có các quyền sau đây:

Khi nhận tài sản, bên giữ tài sản có quyền yêu càu bên gửi phải thông báo về tình trạng tài sản, số lượng, chất lượng và phương thức bảo quản, đặc biệt đổi với những tài sản có tính chất độc hại, nguy hiểm cho người và các tài sản khác.

Trong quá trình giữ tài sản mà tài sản có nguy cơ hư hỏng, bên giữ tài sản có quyền yêu cầu bên gửi phải lấy lại tài sản hoặc bán tài sản… để tránh những thiệt hại cho bên gửi (khoản 3 Điều 557 BLDS).

Nếu hợp đồng gửi giữ không có đền bù, bên nhận giữ phải chi phí bảo quản, sữa chữa tài sản, có quyền yêu cầu bên gửi phải hoàn trả những chi phí đó. Bên giữ có quyền trả lại tài sản cho bên gửi bất cứ thời gian nào, vì bên giữ giúp đỡ bên gửi tài sản nhưng do nhiều lí do khác nhau mà không thể tiếp tục giữ được nữa.

Bên giữ có quyền yêu cầu bên gửi nhận tài sản đúng thời hạn và trả thù lao như thoả thuận hoặc do pháp luật quy định. Nếu bên gửi không trả tiền hoặc không bồi thường thiệt hại (nếu có), bên giữ tài sản có quyền giữ lại tài sản cho đến khi nhận đủ tiền.

Nghĩa vụ của bên giữ tài sản:

– Bên gửi tài sản phải thông báo về số lượng tài sản, tình trạng tài sản, về tính chất nguy hiểm của tài sản mà bên nhận giữ không biết hoặc không thể biết được. Nếu không thông báo hỏng, mất mát; phải trả lại chính tài sản đó theo đúng tình trạng như khi nhận giữ (Điều 557 BLDS).

Trong quan hệ gửi giữ tài sản không lấy tiền, bên nhận giữ tài sản phải giữ gìn tài sản như của mình, nếu mất mát, hư hỏng do lỗi của mình thì phải bồi thường thiệt hại. Lỗi của bên nhận giữ được thể hiện như: không áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ tài sản hoặc vô ý để người khác trộm cắp tài sản; không thực hiện những yêu cầu cẩn tắc thông thường để giữ gìn, bảo quản tài sản, làm cho tài sản ẩm ướt, hư hỏng, mất mát.

Bên giữ tài sản phải bồi thường thiệt hại khi có lỗi. Trường hợp do trở lực khách quan (bất khả kháng) mà tài sản hư hỏng, bên giữ không phải bồi thường. Ví dụ: bão lụt, vỡ đê, lũ quét mà tài sản hư hỏng, mất mát… Khi hợp đồng hết hạn, bên giữ phải trả lại tài sản cho người gửi. Nếu quá hạn nhưng bên giữ không trả mà tài sản bị hư hỏng, mất mát thì trong mọi trường hợp đều phải bồi thường, kể cả khi gặp bất khả kháng (Điều 560 BLDS).

(ii) Bên gửi tài sản

Quyền của bên gửi tài sản:

– Yêu cầu bên giữ trả lại tài sản khi hết hạn của hợp đồng;

– Yêu cầu bên giữ phải bảo quản tài sản tốt;

– Yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu tài sản bị hư hỏng, trừ trường hợp bất khả kháng (Điều 556 BLDS).

Nghĩa vụ của bên gửi tài sản:

– Bên gửi tài sản phải thông báo về số lượng tài sản, tình trạng tài sản, về tính chất nguy hiểm của tài sản mà bên nhận giữ không biết hoặc không thể biết được. Nếu không thông báo về tình hình tài sản, số lượng… mà sau đó xảy ra hư hỏng, mất mát mà không chứng minh được, số lượng, chất lượng tài sản khi gửi giữ, bên gửi tài sản phải chịu thiệt hại đó (Điều 555 BLDS).

Bên gửi tài sản phải trả tiền công, nhận tài sản đúng thời hạn, thanh toán các chi phí về bảo quản tài sản, nếu hợp đồng có đền bù. Bên gửi có quyền lấy lại tài sản của mình đúng thời hạn, nếu lấy trước thời hạn phải trả đủ tiền công như thoả thuận ban đầu, vì chính bên gửi đã vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp bên gửi chậm nhận tài sản thì phải thanh toán các chi phí về bảo quản và tiền công cho bên nhận giữ tài sản trong thời gian chậm nhận.

Hợp đồng gửi giữ chấm dứt trong những trường hợp sau:

– Hết hạn của hợp đồng;

– Một trong các bên hủy hợp đồng, yêu cầu chấm dứt hợp đồng do không còn điều kiện gửi giữ;

– Tài sản bị tiêu hủy, bị mất do trở lực khách quan.

“Tổng hợp từ Giáo trình Luật Dân sự 2 (Trường Đại học Luật Hà Nội) và một số nguồn khác”
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments