Thứ Bảy, Tháng Chín 23, 2023
Google search engine
HomeDoanh nghiệpKiến thức về doanh nghiệpCần hiểu những gì về hoạt động trung gian thương mại

Cần hiểu những gì về hoạt động trung gian thương mại

Trung gian thương mại là hoạt động thương mại hữu hiệu giúp doanh nghiệp, công ty tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao sự hiện diện của doanh nghiệp đó trên thị trường. Vậy trung gian thương mại được hiểu như thế nào? Có bao nhiêu hình thức trung gian thương mại? Quy định của pháp luật về hợp đồng trung gian thương mại. Hãy tham khảo ngay bài viết của chúng tôi.

Trung gian thương mại

Trung gian thương mại là gì?

Dưới góc độ pháp lý, trung gian thương mại là việc thương nhân nhận ủy quyền của người khác để tiến hành các hoạt động vì lợi ích kinh tế của bên ủy quyền để mua, bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ thương mại để hưởng thù lao. Hay đơn giản hơn việc xác định các điều kiện giao dịch phải thông qua một người trung gian, tức là một người thứ ba.

Theo đó, khoản 11 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định Hoạt động trung gian thương mại là hoạt động của thương nhân nhằm thực hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân xác định, bao gồm hoạt động đại diện cho thương nhân, uỷ thác mua bán hàng hoá, môi giới thương mại và đại lý thương mại.

Ví dụ về trung gian thương mại

Dưới đây chúng tôi xin đưa ra một số ví dụ để bạn dễ dàng hình dung về trung gian thương mại như sau:

Về hình thức môi giới thương mại: Công ty X ký hợp đồng với công ty TNHH 1 thành viên Y để môi giới tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm do bên A sản xuất ra, khi đó giữa công ty X và công ty Y sẽ phát sinh quan hệ hợp đồng môi giới thương mại. Công ty Y tìm được công ty Z có nhu cầu mua hàng hóa của công ty X, giữa công ty Y và công ty Z cũng có thể coi là quan hệ môi giới thương mại nếu như Công ty Z muốn thông qua công ty Y để môi giới mua những loại  hàng hóa công ty Z đang cần.

Hay: Yamaha cho phép một cá nhân/đơn vị trở thành đại lý phân phối các dòng xe của hãng ở một số quận/huyện ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh.

Vai trò của trung gian thương mại

Có thể nói khi nền kinh tế đang trên đà hội nhập như hiện nay thì việc sử dụng các dịch vụ trung gian thương mại có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh doanh của thương nhân cũng như nền kinh tế quốc dân, cụ thể:

– Hoạt động trung gian thương mại sẽ góp phần mang lại hiệu quả cao cho các thương nhân trong quá trình tổ chức, hình thành mạng lưới buôn bán, tiêu thụ, phân phối và cung cấp các loại dịch vụ trên phạm vi rộng, tạo điều kiện chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như quốc tế.

– Các thương nhân trung gian thường tiếp xúc gần nên nắm vững rất rõ về thị hiếu của người tiêu dùng trên thị trường. Vì vậy, họ sẽ là một nhân tố quan trọng nhằm thúc đẩy việc giao lưu, buôn bán, hạn chế rủi ro phát sinh.

– Ngoài ra, nếu hoạt động trung gian thương mại phát triển sẽ làm thị trường hàng hóa, dịch vụ trở nên sôi động hơn, khối lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường sẽ ngày càng tăng lên và mở rộng phạm vi tiêu thụ.

hoạt động trung gian thương mại
hoạt động trung gian thương mại

Xem thêm: những vấn đề phải biết về trung gian thương mại

Hợp đồng trung gian thương mại

– Khái niệm: hợp đồng trung gian thương mại là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó một bên là thương nhân với tư cách là bên được ủy quyền thực hiện hoạt động trung gian thương mại vì lợi ích của bên ủy quyền với mục tiêu hưởng thù lao còn bên ủy quyền có nghĩa vụ trả thù lao cho bên được ủy quyền.

– Đặc điểm của hợp đồng:

  • Tại Điều 141, 150, 156, 167 của Luật Thương mại 2005, một bên trong hợp đồng trung gian thương mại luôn là Thương nhân (bên môi giới, bên đại diện, bên đại lý, bên nhận ủy thác). Họ có tư cách pháp lý độc lập với bên thuê dịch vụ và cả bên thứ ba.
  • Trong hợp đồng bên trung gian được thực hiện hoạt động với tư cách pháp lý hoàn toàn độc lập và tự do trong quan hệ với bên thuê dịch vụ (bên ủy quyền) và bên thứ ba.
  • Hợp đồng trung gian thương mại là hợp đồng có tính đền bù và song vụ.

– Hình thức hợp đồng: Hợp đồng phải được lập thành văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương như telex, điện báo, thông điệp dữ liệu hoặc các hình thức khác (khoản 15 Điều 3 Luật Thương mại 2005).

Hợp đồng trung gian thương mại
Hợp đồng trung gian thương mại

– Các loại hợp đồng: Hiện nay, theo quy định của pháp luật hợp đồng trung gian thương mại có các loại như sau:

  • Hợp đồng đại diện cho thương nhân;
  • Hợp đồng môi giới thương mại;
  • Hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa;
  • Hợp đồng đại lý thương mại.

Xem thêm: Mẫu hợp đồng trung gian thương mại mới nhất

Pháp luật về trung gian thương mại

Các hình thức trung gian thương mại

Ngoài những hoạt động giao dịch trực tiếp với khách hàng, doanh nghiệp cũng quan tâm đến các hình thức trung gian thương mại để tiết kiệm chi phí, thời gian và tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp trên thị trường sản xuất, kinh doanh. Các hình thức trung gian thương mại như sau:

– Đại diện cho thương nhân: được quy định tại  mục 1 chương 5 Luật thương mại năm 2005

  • Khái niệm: Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận uỷ nhiệm (bên đại diện) của thương nhân khác (bên giao đại diện) nhằm thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa và theo sự chỉ dẫn của thương nhân giao đại điện và được hưởng thù lao về việc đại diện.
  • Chủ thể: Bên đại diện và bên giao đại diện
  • Điều kiện: Trong quan hệ đại diện thì cả hai bên tham gia đều phải là thương nhân. Và bên làm đại diện phải giao dịch với bên thứ ba trên danh nghĩa của bên giao đại diện và phải hành động theo sự chỉ dẫn của bên giao đại diện.
  • Phạm vi đại diện: nhằm phục vụ nhu cầu mong muốn của các bên thì phạm vi của việc đại diện có thể được thỏa thuận. Theo đó, bên đại diện có thể thực hiện một phần hoặc toàn bộ các hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của bên giao đại diện.
  • Hình thức pháp lý: được thực hiện thông qua Hợp đồng đại diện cho thương nhân. Hợp đồng đại diện cho thương nhân phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
  • Quyền hưởng thù lao đại diện: Quyền được hưởng thù lao phát sinh từ thời điểm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng.
Các hình thức trung gian thương mại
Các hình thức trung gian thương mại

– Môi giới thương mại được quy định cụ thể tại mục 2 chương 5 Luật thương mại 2005

  • Khái niệm: Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ và được hưởng thù lao theo như thỏa thuận trong hợp đồng môi giới. 
  • Chủ thể: bên được môi giới và bên môi giới
  • Điều kiện: bên môi giới bắt buộc phải là thương nhân và phải đăng ký kinh doanh ngành nghề môi giới thương mại.
  • Phạm vi môi giới: Bao gồm tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ mà pháp luật cho phép, các loại hàng hóa đó không thuộc hàng cấm và không trái đạo đức xã hội.
  • Hình thức pháp lý: Thông qua hợp đồng môi giới.
  • Quyền hưởng thù lao môi giới: Phát sinh từ thời điểm các bên ký hợp đồng với nhau.

– Ủy thác mua bán hàng hóa được quy định cụ thể tại mục 3 chương 5 Luật thương mại 2005

  • Khái niệm: Ủy thác mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận ủy thác thực hiện việc mua bán hàng hoá trên danh nghĩa của mình theo như những điều kiện đã thỏa thuận với bên ủy thác và được nhận thù lao về việc ủy thác.
  • Chủ thể: bên nhận ủy thác và bên ủy thác
  • Điều kiện: Bên ủy thác có thể là thương nhân hoặc không là thương nhân; bên nhận ủy thác bắt buộc phải là thương nhân.
  • Phạm vi: Bên nhận ủy thác thực hiện việc mua bán hàng hóa trong phạm vi mà bên ủy thác đã ủy thác, 
  • Hình thức pháp lý: Hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa bắt buộc phải được lập bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị tương đương.

– Đại lý thương mại được quy định tại mục 4 chương 5 Luật thương mại 2005

  • Khái niệm: Đại lý thương mại là hoạt động thương mại; theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình thực hiện hoạt động mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng nhằm hưởng thù lao.
  • Chủ thể: bên đại lý và bên giao đại lý (cả hai bên bắt buộc phải là thương nhân)
  • Phạm vi: Dựa theo các điều khoản, quy định mà hai bên đã thỏa thuận Bên đại lý sẽ thực hiện bán hàng cho bên giao đại lý hoặc mua hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ giao đại lý cho khách hàng.
  • Hình thức pháp lý: Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Trên đây là toàn bộ thông tin về hoạt động trung gian thương mại mà chúng tôi muốn chia sẻ với quý bạn đọc. Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu các kiến thức liên quan đến trung gian thương mại.

Xem thêm: Mẫu hợp đồng thương mại

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments