Thị trường sữa chưa bao giờ là ngừng hot đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong năm 2021 thị trường đầy biến động với đại dịch Covid 19 thì thị phần sữa Việt Nam thay đổi như thế nào?
Thị phần sữa Việt Nam thời gian gần đây
Báo cáo thị phần sữa năm 2021
Mặc dù biến động bởi đại dịch nhưng thị phần sữa vẫn có xu hướng tăng nhẹ trong năm 2021. Bởi đây là mặt hàng thiết yếu mà bất cứ một gia đình nào cũng cần để năng cao đề kháng sức khỏe trong đại dịch, là mặt hàng phù hợp với bất cứ đối tượng nào kể cả người có thu nhập thấp.
Những chuyên gia SSI nhận định, giá sữa nguyên liệu có khả năng tăng nhẹ trong năm 2021, cũng giống như xu hướng tăng giá của những loại hàng hóa khác. Theo đó, giá sữa nguyên liệu có thể tăng 4% so với cùng kỳ trong năm 2021. Ngoài ra, giá dầu cao hơn trong năm 2021 có thể sẽ ảnh hưởng đến chi phí đóng gói và vận chuyển.
Các chuyên gia nhận định chính áp lực về mặt sức khỏe của người dân đã tác động đến sự tăng nhẹ của thị trường sữa Việt Nam. Trong bối cạnh đại dịch không có đầu tư nào quan trọng bằng đầu tư cho chính sức khỏe của mình, chính vì vậy mà ngành thực phẩm nói chung và thị trường sữa nói riêng đều tăng. Do đó, kỳ vọng thị phần sữa Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng một chữ số khoảng 8% trong năm 2021 khi đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát triệt để và sẽ vẫn thúc đẩy người tiêu dùng tăng cường sử dụng những sản phẩm sữa có lợi cho sức khỏe.
Triển vọng phát triển thị phần sữa năm 2022
VNDirect kỳ vọng các doanh nghiệp sản xuất sữa sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022 nhờ 1) nhu cầu trong nước phục hồi và 2) giá bột sữa nguyên liệu giảm nhẹ, sẽ giảm bớt áp lực lên chi phí nguyên liệu đầu vào.
VNDirect kỳ vọng giá bột sữa sẽ hạ nhiệt vào năm 2022 nhờ nguồn cung phục hồi và nhu cầu sữa bột từ Trung Quốc giảm dần. Theo Eurostat, sản lượng sữa được dự báo sẽ phục hồi nhờ vào năng suất sản xuất cao hơn trong năm 2022. Bên cạnh đó, Rambo Research dự báo Trung Quốc sẽ hạ tỷ trọng mua và dự trữ bột sữa nguyên kem (WMP) và bột sữa tách béo (SMP) trong năm tới. Do Trung Quốc là khách hàng lớn nhất trên các thị trường sữa toàn cầu, VNDirect cho rằng điều này sẽ làm hạ nhiệt giá bột sữa toàn cầu vào năm 2022 so với mức đỉnh vào Quý 2 năm nay.
Theo quan điểm của VNDirect, VNM sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này khi gần 60% nguyên liệu bột sữa cho các sản phẩm sữa bột (trẻ em và người lớn) và bột dinh dưỡng được nhập khẩu từ Mỹ, Châu Âu và Châu Đại Dương.
Theo Euromonitor, thị trường sữa Việt Nam đạt giá trị 135.000 tỷ đồng vào năm 2020, tăng hơn 8% so với năm 2019, nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng của phân khúc sữa chua và sữa uống. Các ngành hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao bao gồm sữa nước (+10%), sữa chua (+12%), pho mát (+11%), bơ (+10%) và các sản phẩm từ sữa khác 8% trong khi sữa bột chỉ tăng 4% về giá trị. Sữa nước là phân khúc đóng góp giá trị lớn nhất trong ngành sữa Việt Nam bao gồm các thương hiệu phổ biến như Vinamilk, Mộc Châu milk, TH True milk, Dutch Lady, Nutifood. Trong đó VNM hiện đang chiếm thị phần lớn nhất với thương hiệu quen thuộc “Vinamilk”.
VNDirect kỳ vọng mảng sữa nước sẽ đạt mức tăng trưởng kép 7,7% về doanh số trong giai đoạn 2021-2025.
Tình hình thực tế thị phần của Vinamilk
Cả năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk lần đầu vượt mốc 60.000 tỷ đồng, cụ thể đạt 61.012 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020. Kỷ lục doanh thu này được đóng góp bởi sự tăng trưởng từ cả 3 mảng: Nội địa, xuất khẩu và chi nhánh nước ngoài.
Trong giai đoạn khó khăn của năm 2021, đặc biệt trong bối cảnh áp dụng các biện pháp giãn cách và cách ly xã hội trong thời gian dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa. Vinamilk đã đi ngược lại tình hình chung khi liên tục báo tin vui với doanh thu quý II, quý III đều đạt mức cao kỷ lục là 15.729 tỷ đồng và 16.208 tỷ đồng. Sang đến quý IV, tình hình dịch bệnh đã được cải thiện, người dân bắt đầu vào cuộc sống bình thường mới.
Thực tế này đã phản ánh ngày vào kết quả kinh doanh khả quan của Vinamilk khi doanh thu tăng tốc với mức tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ 2020, cụ thể đạt 15.819 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng quý nhanh nhất trong gần 5 năm qua dù nhu cầu tiêu dùng và hoạt động vận chuyển tại Việt Nam cũng như toàn cầu vẫn còn bị ảnh hưởng do biến chủng Covid-19 mới.
Về xuất khẩu, doanh thu thuần xuất khẩu trực tiếp năm 2021 đạt 6.128 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng đến từ thị trường Trung Đông và châu Phi nhờ nhu cầu đối với sản phẩm sữa phục hồi và hoạt động phát triển thị trường đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Vinamilk đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm cho liên doanh tại Philippines từ cuối quý III/2021 với kết quả ban đầu khả quan. Trong năm 2021, Công ty đã phát triển thêm 2 thị trường xuất khẩu mới và nâng tổng số thị trường xuất khẩu lũy kế lên 57.
Trên đây là một số tình hình về thị phần sữa Việt Nam trong năm 2021 và xu hướng 2022. Mặc dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch nhưng thị trường sữa vẫn phát triển một cách mạnh mẽ, tạo niềm tin và thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư không ngừng .