Tập đoàn kinh tế hiện nay có thể nói không phải là một thuật ngữ xa lạ đối với các doanh nghiệp. Theo đó, đây là một tập hợp các công ty ở quy mô lớn nhằm hỗ trợ nhau cùng phát triển và tạo ra vị thế lớn mạnh trên thị trường kinh doanh. Vậy hiểu thế nào là tập đoàn kinh tế? Hãy cùng Công ty Luật TNHH Everest tìm hiểu ngay sau đây.
Tập đoàn kinh tế
Khái niệm tập đoàn kinh tế
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 194 Luật Doanh nghiệp 2020, có thể hiểu tập đoàn kinh tế là tập hợp các công ty với quy mô lớn, hoạt động trong một hay nhiều linh vực khác nhau có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Mục đích của việc liên kết này đó là nhằm nâng cao lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh đa lĩnh vực và cùng hỗ trợ nhau phát triển.
Đặc điểm mô hình tập đoàn kinh tế

Từ khái niệm về thế nào là tập đoàn kinh tế có thể rút ra được một số đặc điểm như sau:
– Tập đoàn kinh tế được hình thành từ mối liên kết giữa các pháp nhân với nhau. Theo đó, có hai dạng liên kết đó là liên kết mềm (mối quan hệ hợp tác, khoa học kỹ thuật, hoạt động sản xuất kinh doanh) và liên kết cứng (mối quan hệ về vốn).
– Tập đoàn kinh tế không được coi là một loại hình doanh nghiệp và không có tư cách pháp nhân nên khi thành lập chủ sở hữu không phải đăng ký thành lập theo quy định.
– Tập đoàn kinh tế là tập hợp các công ty ở quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động và phạm vi hoạt động rộng lớn, không chỉ nằm trong lãnh thổ một quốc gia mà còn mở rộng ra nước ngoài.
– Tập đoàn kinh tế tập trung một nhóm công ty để hoạt động kinh doanh đa ngành, các công ty trong tập đoàn kinh tế gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, vốn, công nghệ, thị trường. Mục đích là nhằm tăng cường tập trung, nâng cao khả năng cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận.
– Tập đoàn kinh tế thường đa dạng về cơ cấu tổ chức nhưng chủ yếu hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Theo đó, công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác trong tập đoàn đều có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Tập đoàn kinh tế có những đặc trưng cơ bản gì
Quy định về tập đoàn kinh tế
Dựa trên các điều khoản của Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 69/NĐ-CP thì các quy định về tập đoàn kinh tế được thể hiện như sau:
Thứ nhất, về điều kiện để trở thành Tập đoàn kinh tế
– Với doanh nghiệp đã hoạt động từ trước:
Dựa trên quy định của Nghị định 69/NĐ-CP thì Các doanh nghiệp đã hoạt động riêng lẻ từ trước muốn liên kết trở thành tập đoàn kinh tế thì phải đáp ứng được những điều kiện sau:
- Tình hình tài chính dồi dào, luôn đảm bảo ở mức độ an toàn;
- Kinh doanh có lãi trong khoảng thời gian 3 năm liên tiếp liền kề trước năm được lựa chọn;
- Phạm vi hoạt động rộng lớn ở cả trong nước và mở rộng ra cả nước ngoài;
- Trình độ nguồn nhân lực và năng suất lao động cao hơn mức trung bình của các doanh nghiệp khác cùng ngành, cùng lĩnh vực hoạt động;
- Công nghệ và trang thiết bị hiện đại, chất lượng cao;
- Trình độ quản lý cao, có hiệu quả.
– Với tập đoàn thành lập mới:
Đối với các tập đoàn mới dự kiến sẽ thành lập thì để được công nhận là tập đoàn thực thụ trên thực tế thì họ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Ngành, lĩnh vực kinh doanh phải thuộc các ngành, lĩnh vực sản xuất có vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo nền kinh tế quốc gia lớn mạnh.
- Việc thành lập tập đoàn phải tạo được một nền tảng kinh tế hạ tầng lớn mạnh cho đất nước. Từ đó tạo động lực để nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế quốc gia nói chung.
- Các doanh nghiệp để trở thành một tập đoàn kinh tế thì phải được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, bởi lẽ Thủ tướng Chính phủ là người đưa ra các quy định về ngành, nghề lĩnh vực đủ điều kiện để thành lập tập đoàn.
Thứ hai, về cơ cấu tổ chức tập đoàn kinh tế
Tập đoàn kinh tế cơ cấu tổ chức vô cùng đa dạng bao gồm công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên khác trong tập đoàn, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật.
Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
Xem thêm: Các loại hình doanh nghiệp
Tập đoàn kinh tế nhà nước
Đặc điểm tập đoàn kinh tế nhà nước
Tập đoàn kinh tế nhà nước có một số đặc điểm sau đây:
– Các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam được hình thành chủ yếu từ việc chuyển đổi và tổ chức lại các tổng công ty nhà nước theo quyết định của Chính phủ. Hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con; phạm vi hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước rộng lớn trên toàn quốc và quốc tế.
– Các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam hoạt động trong những ngành kinh tế mũi nhọn, những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc gia theo mục tiêu, chiến lược phát triển của từng tập đoàn mà tư nhân và các thành phần kinh tế khác khó có thể thực hiện được do hạn chế về năng lực tài chính hoặc kinh nghiệm quản lý.

– Quan hệ nội tại của tập đoàn kinh tế nhà nước được thiết kế theo mô hình công ty mẹ – công ty con với ba cấp. Theo đó:
- Công ty mẹ là doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn hoặc giữ quyền chi phối theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Công ty con của doanh nghiệp cấp I là các doanh nghiệp do doanh nghiệp cấp I giữ quyền chi phối; được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một hoặc hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, tổng công ty theo hình thức công ty mẹ – công ty con, công ty liên doanh, công ty con ở nước ngoài;
- Công ty con của doanh nghiệp cấp II là các doanh nghiệp do doanh nghiệp cấp II giữ quyền chi phối.
– Hoạt động quản lý, giám sát đối với tập đoàn kinh tế nhà nước được thực hiện theo các phương thức: thông qua chế độ báo cáo của hội đồng quản trị công ty mẹ; thông qua thực hiện kiểm toán tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên; thông qua thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất của công ty mẹ; thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá của các cơ quan theo quy định của pháp luật.
– Giữa tập đoàn kinh tế và các bộ, ngành, chính phủ có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ. Theo đó, Nhà nước là chủ sở hữu của các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam.
Vai trò tập đoàn kinh tế nhà nước
Có thể nói tập đoàn kinh tế nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:
Thứ nhất, đây là công cụ hữu hiệu giúp điều tiết vĩ mô nền kinh tế đồng thời tạo nên sức mạnh nền kinh tế quốc gia.
Thứ hai, thực hiện các hoạt động công ích mà Nhà nước giao nhằm thực hiện mục tiêu chính trị – xã hội.
Thứ ba, việc xuất hiện các tập đoàn kinh tế lớn mạnh sẽ góp phần làm gia tăng sức mạnh cạnh tranh của cả tập đoàn trong nền kinh tế quốc gia và nền kinh tế quốc gia trong nền kinh tế thế giới.
Thứ tư, với nguồn vốn dồi dào, nguồn lao động phong phú cùng những trang thiết bị hiện đại giúp làm gia tăng lợi nhuận trên thị trường đem lại nguồn kinh tế lớn cho Nhà nước.
Ví dụ về một số tập đoàn kinh tế lớn tại Việt Nam
Một số ví dụ về một số tập đoàn kinh tế lớn tại Việt Nam như tập đoàn Vingroup, Tập đoàn ô tô Trường Hải, Tập Đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn sữa Việt Nam Vinamilk…

Xem thêm: Tư cách pháp nhân của các loại hình doanh nghiệp
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.