Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024
Google search engine
HomeChưa phân loạiSự hình thành và phát triển của Pháp luật Thương mại

Sự hình thành và phát triển của Pháp luật Thương mại

1- Sự hình thành và phát triển của Pháp luật Thương mại

Nền kinh tế hàng hoá hình thành, phát triển đã làm cho mua bán hàng hoá trở thành một hoạt động mang tính chuyên nghiệp và sản xuất hàng hoá không còn là con đường duy nhất dẫn đến lợi nhuận. Việc thực hiện luân chuyển, phân phối hàng hoá từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ thị trường này sang thị trường khác đã trở thành cơ hội lợi nhuận tốt cho những người thực hiện nó. Lúc này, tầng lớp thương nhân đã dần hình thành trong xã hội và mua bán hàng hoá được họ coi là một nghề nghiệp chính – “Nghề thương mại”.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá, tầng lớp thương nhân ngày càng đông và lớn mạnh. Từ thời cổ đại, người Phê-ni-xi ở Trung Cận Đông cũng đã nổi tiếng về hoạt động thương mại… Nửa đầu thiên niên kỉ thứ II trước công nguyên đã hình thành đông đảo tầng lớp thương nhân giàu có, chuyên buôn bán hàng hoá giữa nước này với nước khác. Quan hệ kinh tế giữa các thương nhân hình thành, được điều chỉnh bởi tập quán, thông lệ, thói quen và nhiều quy tắc xử sự khác… Khi tập quán, thói quen, thông lệ không đủ để tạo ra quy tắc ứng xử giữa họ, những quy định pháp luật thương mại đầu tiên được ban hành, không chỉ để điều chỉnh hoạt động thương mại của thương nhân mà còn xác định quy chế pháp lí hay địa vị pháp lí của thương nhân. Nhiều luật lệ, tập quán thương mại và hàng hải quốc tế, điển hình là Bộ luật Hamurabi (gồm 283 điều khoản) ra đời khoảng năm 1694 trước công nguyên, quy định về bảo vệ an toàn cho các thương nhân nước ngoài, quy định về hùn vốn, về gian dối trong buôn bán, về thuê mướn thuyền, tàu xe, nhân công, quy định về buôn bán nô lệ;1 quy định việc vận chuyển hàng hoá và cả phương thức giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng. Ở giai đoạn phát triển của thời kì Trung cổ, luật giữa các thương nhân – law merchant đã trở thành một chế định khá hoàn chỉnh, tập hợp các quy tắc và quy phạm (thành văn và tập quán) nhằm điều chỉnh hàng loạt các vấn đề trong thương mại như: Tính hợp pháp của hợp đồng, nội dung của hợp đồng, các biện pháp chế tài do vi phạm hợp đồng, các phương thức giải quyết tranh chấp, quan hệ đại lí và uỷ thác, séc, hối phiếu, vận đơn và vận chuyển hàng hoá, các công ty đối nhân và liên doanh, bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá và bằng sáng chế, các quyền của thương nhân … Có thể coi đây là những quy định pháp luật đầu tiên, được hình thành từ nhu càu điều chỉnh hoạt động thương mại của thương nhân.

Sự hình thành và phát triển không ngừng của những quy định pháp luật ghi nhận địa vị của thương nhân và hoạt động thương mại của họ đã trở thành nhân tố quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình tổ chức kinh doanh và các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thế giới và ở mỗi quốc gia. Những quy định pháp luật thương mại đầu tiên chủ yếu là những quy định điều chỉnh hành vi mua bán hàng hoá, bởi khi mới hình thành, khái niệm thương mại chỉ gắn liền với mua bán hàng hoá và những hành vi có liên quan đến mua bán hàng hoá diễn ra (chủ yếu) giữa các thương nhân.

Pháp luật thương mại với tư cách là một lĩnh vực pháp luật tương đối độc lập trong pháp luật dân sự được hình thành dần đần ở châu Âu, bắt đầu bởi sự phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất và theo đó là đòi hỏi thay đổi các quan hệ sản xuất đang tồn tại. Từ thế kỉ XVI, ngành công nghiệp ở châu Âu, đặc biệt là ở Anh, phát triển mạnh đã thúc đẩy thương mại hàng hải phát triển. Luật của các thương nhân (Law Merchant) từng bước được nội luật hoá vào pháp luật quốc gia của nhiều nước, đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của pháp luật Anh và nhiều quốc gia châu Âu, góp phần bảo vệ quyền lợi của thương nhân.  Nhiều học thuyết nổi tiếng về thương mại hình thành như chủ nghĩa trọng thương, chủ nghĩa tự do thương mại, đã trở thành cơ sở lí luận của chính sách và pháp luật thương mại của nhiều quốc gia.

Thế kỉ XIX, nhiều bộ luật thương mại được ban hành, điển hình là Bộ luật Thương mại Pháp được ban hành năm 1807. Tiếp đó, Đức và các nước nói tiếng Đức cũng ban hành luật này. Trong hệ thống pháp luật Anh – Mỹ, Luật Thương mại thường được nói đến với một phạm trù rộng hơn, gọi là Luật Kinh doanh. 

Từ nửa sau thế kỉ XIX, tư tưởng tự do hoá thương mại và điều chỉnh pháp luật đối với các hành vi thương mại ở châu Âu đã ảnh hưởng đến Việt Nam và châu Á. Tại Việt Nam, dưới thời thuộc Pháp, trào lưu canh tân đất nước khuyến khích phát triển kĩ nghệ và thương mại đã bắt đầu có ảnh hưởng đến hệ thống pháp luật thời đó. Bộ Dân luật thi hành tại các toà Nam án Bắc Kỳ ban hành năm 1931 đã quy định nhiều hình thức hùn vốn lập hội (hội buôn – công ty), bao gồm hội người và hội vốn. Bộ luật Thương mại áp dụng tại Trung phần được ban hành năm 1942, Luật Thương mại của chính quyền Việt Nam cộng hoà được ban hành năm 1972 cũng có nhiều quy định về công ty kinh doanh. Từ sau khi thống nhất đất nước, pháp luật thương mại Việt Nam cũng luôn được xây dựng và phát triển với tính chất là một lĩnh vực pháp luật tương đối độc lập với pháp luật dân sự, minh chứng bằng sự hiện diện của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989, Luật Công ty năm 1990, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005, 2014, Luật Thương mại năm 2005… Các văn bản này đã song hành cùng với Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991, Bộ luật Dân sự năm 1995, 2005, 2015.

Như vậy, có thể nói, sự hình thành, phát triển của nền sản xuất hàng hoá và sự xuất hiện của tầng lớp thương nhân là lí do hình thành pháp luật thương mại. Nghiên cứu của nhiều học giả (đã dẫn) cho thấy, các quy định đầu tiên điều chỉnh hoạt động thương mại và xác định quy chế thương nhân ra đời rất sớm, xuất phát từ nhu cầu giao lưu thương mại quốc tế và có nguồn gốc từ các chế định, các quy tắc và quy phạm (thành văn và tập quán) khá hoàn chỉnh được nội luật hoá trong pháp luật của quốc gia. Ở mức độ khái quát, có thể hiểu, pháp luật thương mại là những quy định pháp luật do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm quy định quy chế thương nhân và điều chỉnh hoạt động thương mại của họ.
Trong thời đại ngày nay, khái niệm “thương mại” được hiểu theo nghĩa rộng, có nội hàm đồng nghĩa với khái niệm “kinh doanh”. Quan hệ thương mại được hình thành giữa các thương nhân cùng quốc tịch, lãnh thổ hoặc có sự khác biệt về quốc tịch, lãnh thổ. Điều này dẫn đến sự phát triển của pháp luật thương mại về phạm vi, đối tượng điều chỉnh cũng như hình thức chứa đựng quy phạm pháp luật, theo đó, điều ước quốc tế đã và đang trở thành nguồn quan trọng của pháp luật thương mại. Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của UNCITRAL thông qua ngày 21/6/1985 coi thương mại “bao gồm nhưng không giới hạn bởi các giao dịch đế cung cấp hay trao đổi hàng hoá, dịch vụ, các hợp đồng phân phối, chỉ nhánh hoặc đại diện thương mại, đại lí, cho thuê, gia công, tư vấn, sở hữu công nghiệp, đầu tư, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khai thác, tô nhượng, liên doanh hoặc các hình thức khác của hợp tác công nghiệp hoặc kinh doanh”.  Luật Thương mại của Việt Nam cũng hiểu khái niệm thương mại tương tự như vậy khi quy định: “Hoạt động thương mạỉ là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.

Sự phát triển theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh của pháp luật thương mại thể hiện ở các khía cạnh cơ bản:

– Trong pháp luật thương mại, có sự mở rộng về nội hàm của khái niệm “thương mại”, theo đó, từ điểm khởi đầu “thương mại” chỉ bao hàm ý nghĩa là hành vi mua bán hàng hoá nhằm mục đích sinh lợi, đến nay, pháp luật thương mại quốc gia và quốc tế đều có xu hướng tiếp cận thương mại là tất cả những hành vi có mục đích sinh lợi và những hành vi đó có thể diễn ra trong các quan hệ mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, nhượng quyền thương mại…, có hoặc không có yếu tố nước ngoài;

– Về quy chế thương nhân: Trong pháp luật thương mại, ngày càng có sự mở rộng đa dạng về các loại hình tổ chức kinh doanh, theo đó, pháp luật quy định nhiều loại hình thương nhân, nhiều hình thức hiện diện thương mại, đáp ứng nhu cầu hoạt động thương mại của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

– Về nguồn luật: Nguồn luật điều chỉnh địa vị pháp lí của thương nhân và hoạt động thương mại của họ cũng phát triển đa dạng với các quy định của luật quốc gia, luật quốc tế, tập quán thương mại, án lệ… Các cam kết của Việt Nam trong WTO, các hiệp định thương mại song phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… đã và đang có hiệu lực đối với các quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài và tác động đến các quan hệ pháp luật thương mại trong nước thông qua những chính sách, pháp luật quốc gia được sửa đổi nhằm đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý thành lập doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

2- Khuyến nghị của công ty Luật TNHH Everest:

[a] Bài viết Sự hình thành và phát triển của Pháp luật Thương mại được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Sự hình thành và phát triển của Pháp luật Thương mại có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments