a. Khái niệm biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự
Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, người được thi hành án có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng những biện pháp mang tính quyền lực nhà nước, đặt tài sản của người phải thi hành án trong tình trạng bị hạn chế quyền sử dụng, định đoạt nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, định đoạt tài sản để trốn tránh việc thi hành án. Những biện pháp này có tính chất bảo toàn tình trạng tài sản, đôn đốc người phải thi hành án tự nguyện thi hành nghĩa vụ thi hành án của họ, bảo đảm hiệu quả của việc thi hành án dân sự nên được gọi là biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.

Khi tổ chức thi hành án dân sự, tuỳ từng trường hợp chấp hành viên có thể áp dụng các biện pháp bảo đảm như phong tỏa tài khoản; tạm giữ giấy tờ, tài sản của người phải thi hành án; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản. Theo Điều 66 LTHADS, biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự có thể do chấp hành viên tự mình áp dụng hoặc áp dụng theo yêu cầu của đương sự nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án dân sự.(1) Ngoài ra, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 130 LTHADS thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định thi hành án, chấp hành viên phải áp dụng ngày các biện pháp bảo đảm được pháp luật quy định để bảo đảm thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của toà án về cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.
Giữa biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự và biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự có mối liên hệ nhất định. Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự là tiền đề, cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành án sau này. Chẳng hạn, phong tỏa tài khoản là tiền đề cho việc thực hiện biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản; tạm giữ giấy tờ, tài sản là tiền đề cho việc thực hiện biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản, cưỡng chế trả vật, trả giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản là tiền đề cho việc thực hiện biện pháp cưỡng chế kê biên, cưỡng chế trả vật, chuyển quyền sử dụng đất.

Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự và biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự đều là biện pháp được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước do chấp hành viên áp dụng trên tài sản của người phải thi hành án nhưng tính chất cưỡng chế ở các cấp độ khác nhau. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, chấp hành viên đặt tài sản của người phải thi hành án trong tình trạng bị hạn chế quyền sử dụng, định đoạt. Việc áp dụng biện pháp này có tác dụng ngăn ngừa việc người phải thi hành án tẩu tán, định đoạt tài sản để trốn tránh việc thi hành án đồng thời tạo áp lực, độn đốc người phải thi hành án tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thi hành án của họ. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự mà người phải thi hành án vẫn không tự nguyện thi hành nghĩa vụ của họ thì cơ quan thi hành án phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự pháp luật quy định để buộc người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ thi hành án của họ.
Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự là biện pháp pháp lý mang tính quyền lực nhà nước, do đó trong trường hợp cần thiết chỉ cần có căn cứ cho rằng tài sản mà người phải thi hành án hoặc người thứ ba đang quản lý, sử dụng thuộc sở hữu của người phải thi hành án là cơ quan thi hành án dân sự có thể áp dụng biện pháp này. Sau khi đã áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án và nếu có căn cứ khẳng định tài sản đó thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự phù hợp.
Như vậy, biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự là biện pháp pháp lý đặt tài sản của người phải thi hành án trong tình trạng bị hạn chế hoặc cấm sử dụng, định đoạt nhằm ngăn chặn việc người phải thi hành án tẩu tán, định đoạt tài sản trốn tránh việc thi hành án và đôn đốc họ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thi hành án của mình do chấp hành viên áp dụng trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự.
b. Ý nghĩa của biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự
Việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự nhằm bảo toàn tình trạng tài sản hiện có của người phải thi hành án và đốc thúc họ tự nguyện thi hành nghĩa vụ thi hành án dân sự của mình. Sau khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự nếu người phải thi hành án dân sự vẫn không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự để buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự của mình. Vì vậy, việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự có các ý nghĩa sau đây:
Thứ nhất, ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án nên bảo đảm được hiệu lực của bản án, quyết định, quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Thứ hai, đốc thúc người phải thi hành án tự nguyện thi hành nghĩa vụ của mình. Bởi vì, khi đã bị áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thì tài sản của người phải thi hành án đã bị đật trong tình trạng bị hạn chế hoặc bị cấm sử dụng, định đoạt, do vậy, họ không thể tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án và giải pháp có lợi hơn cả đối với họ là tự nguyện thi hành các nghĩa vụ của mình đã được xác định trong bản án, quyết định được đưa ra thi hành.
Thứ ba, việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự là tiền đề, cơ sở cho việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự sau này, bảo đảm hiệu quả của việc thi hành án dân sự. Sau khi bị áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự nhằm buộc người thi hành án phải thực hiện các nghĩa vụ của họ. Các tài sản của người phải thi hành án đã bị đặt trong tình trạng bị hạn chế quyền sử dụng, định đoạt hoặc bị cấm định đoạt trước đây sẽ được xử lý để thi hành án.