1. Khái niệm chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2022 quy định về chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là “việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cho phép tổ chức, cá nhân khác được quyền sử dụng có thời hạn đối với một, một số hoặc là toàn bộ quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan mà Luật Sở hữu trí tuệ quy định“.
Dựa theo quy định trên có thể hiểu rằng chủ sở hữu là người duy nhất có quyền chuyển giao quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác; và thực tế luật sở hữu trí tuệ cũng quy định rằng tác giả không được phép chuyển quyền sử dụng đối với những quyền nhân thân không thể chuyển giao (những quyền này là quyền đặt tên, đứng tên trên tác phẩm và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, danh dự, nhân phẩm của tác giả) cho bất cứ ai, người biểu diễn cũng không được phép chuyển quyền sử dụng của mình.
2. Các dạng hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan thường gặp.
Theo quy định tại điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Đối với hợp đồng chuyển quyền sử dụng tác giả, quyền liên quan, hiện nay, có nhiều cách phân loại khác nhau. Tuy nhiên có hai cách phân loại phổ biến nhất là cách phân loại theo phạm vi quyền của bên được chuyển quyền và cách phân loại theo bên chuyển quyền trong hợp đồng.
Thứ nhất, đối với cách phân loại theo phạm vi quyền của bên được chuyển quyền có hai dạng hợp đồng chính là hợp đồng độc quyền (Exclusive license) và hợp đồng không độc quyền (Non – exclusive license):
Hợp đồng độc quyền là dạng hợp đồng mà bên chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan cho phép bên nhận quyền được độc quyền sử dụng đối tượng trong thời gian và phạm vi chuyển được chuyển giao. Từ hợp đồng độc quyền sẽ phát sinh hệ quả pháp lý cho cả hai bên, như sau:
+ Bên chuyển giao quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối với bất kỳ bên nào khác nếu không có sự đồng ý của bên được chuyển quyền nếu đối tượng được chuyển giao chính là đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng độc quyền.
+ Bên được chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan vẫn có thể chuyển quyền sử dụng cho chủ thể khác tuy nhiên chỉ trong thời gian và phạm vi của hợp đồng độc quyền.
Hợp đồng không độc quyền là dạng hợp đồng mà bên chuyển quyền có thể chuyển quyền sử dụng cho không chỉ một bên mà là nhiều bên trong phạm vi và thời hạn chuyển giao. Trong trường hợp này cùng một lúc trong cùng một phạm vi không gian có nhiều chủ thể có thể cùng khai thác và sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan.
Trên thực tế trong giao kết hợp đồng, hợp đồng độc quyền thường có giá trị kinh tế cao hơn tương đối nhiều khi so sánh với hợp đồng không độc quyền, nhưng đây chỉ là nhìn từ góc độ từng hợp đồng đơn lẻ. Nếu nhìn từ góc độ tổng hợp thì giá trị thực tế của hợp đồng phụ thuộc nhiều vào mục tiêu của chủ sở hữu và giá trị của quyền tác giả, quyền liên quan. Ví dụ: trong các tập đoàn hình thành theo mô hình công ty mẹ, công ty con (Tập đoàn Thaco, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Viettel…) khi công ty mẹ là chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan của một tác phẩm nào đó họ sẽ luôn dùng hợp đồng không độc quyền vì như thế họ có thể tối đa hóa lợi ích cho tất cả các công ty con thành viên và cả những đối tác của họ.

Việc xác định dạng hợp đồng là độc quyền hay không độc quyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi xác định phạm vi quyền sử dụng đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình…của bên được chuyển quyền; đó cũng sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc xử lý tranh chấp giữa các bên.
Thứ hai, đối với phân loại theo bên chuyển quyền trong hợp đồng, có hai dạng hợp đồng chính là hợp đồng sơ cấp và dạng hợp đồng thứ cấp.
Hợp đồng sơ cấp là dạng hợp đồng mà bên chuyển quyền là chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Hợp đồng thứ cấp là hợp đồng bên chuyển quyền không phải là chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan mà là chủ thể được chuyển quyền sử dụng theo hợp đồng độc quyền và được theo hợp đồng độc quyền thì có thể chuyển giao cho bên thứ ba. Ví dụ: Các tác giả (đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả) đã ký hợp đồng độc quyền sử dụng với Trung tâm bản quyền âm nhạc Việt Nam. Hợp đồng cho phép bên trung tâm có thể chuyển giao cho bên thứ ba nhưng phải thông báo bằng văn bản cho tác giả và phải trả tiền bản quyền cho mỗi lần chuyển giao đó.
3. Nội dung của hợp đồng chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan.
Khoản 1 Điều 48 Luật sở hữu trí tuệ quy định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan sẽ bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
+ Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền: đây là điều khoản bắt buộc để xác định những thông tin của bên chuyển quyền..
+ Căn cứ chuyển quyền: Hợp đồng chỉ được phát sinh khi cả hai bên có đầy đủ tư cách chuyển quyền. Việc xác định căn cứ chuyển quyền đi liền với việc xác định năng lực pháp luật, năng lực hành vi của chủ thể. Nếu bên chuyển quyền là chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan cần phải xác nhận về năng lực pháp luật và năng lực hành vi của họ. Nếu là bên chuyển giao quyền trong hợp đồng độc quyền, cần phải xác định xem trong hợp đồng độc quyền đó có điều khoản cho phép bên được chuyển quyền có thể giao kết hợp đồng với bên thứ ba hay không và phạm vi về thời gian, không gian , nội dung của điều khoản đó như thế nào.
+ Phạm vi chuyển quyền sử dụng: Trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan cần phải xác định rõ bên nhận chuyển quyền sẽ được chuyển giao những quyền nào và những quyền này có nằm trong phạm vi mà bên chuyển giao có quyền hay không?
+ Giá chuyển giao quyền sử dụng và phương thức thanh toán: Tùy vào loại hợp đồng và điều khoản trong hợp đồng mà giá chuyển giao quyền cũng sẽ khác nhau, bên nhận chuyển quyền muốn có quyền lợi càng nhiều thì giá trị hợp đồng sẽ càng lớn, hợp đồng độc quyền bao giờ cũng sẽ có giá cao hơn hợp đồng không độc quyền trong cùng một phạm vi và điều khoản.
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên: Các bên trong hợp đồng có thể thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên với kiện không trái pháp luật. Quyền và nghĩa vụ của các bên cần hợp lý và tránh những hạn chế không cần thiết vì những hạn chế này có thể là những hạn chế bị luật hoặc các văn bản dưới luật cấm.
Ngoài các nội dung chủ yếu đã nêu trong luật và được giải thích ở bên trên, các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan còn có thêm những quy định khác về sửa đổi, đình chỉ, vô hiệu hóa hợp đồng và các quy định về giải quyết tranh chấp hợp đồng. Những quy định này không mang tính bắt buộc nhưng góp phần làm nội dung hợp đồng chặt chẽ hơn bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan.
(Tổng hợp từ Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ và các tài liệu khác)