Dự án PPP đang được coi là một trong những mô hình được áp dụng rộng rãi nhất hiện nay. Mặc dù dự án PPP đã được quy định khác cụ thể tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 nhưng có nhiều người vẫn chưa hình dung được đây là mô hình, dự án như thế nào. Để tìm hiểu sâu hơn hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của Công ty Luật Everest.
Dự án PPP
Dự án PPP là gì?
Căn cứ tại khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 (Luật PPP) quy định Dự án PPP là tập hợp các đề xuất liên quan đến việc đầu tư nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc một số hoạt động cụ thể sau đây:
– Xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;
– Cải tạo, mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa công tác vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đã sẵn có;
– Vận hành, kinh doanh hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình sẵn có.
Như vậy, có thể hiểu dự án PPP là các dự án về đầu tư, xây dựng, cải tạo, kinh doanh, vận hành, quản lý công trình, cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công… dựa trên cơ sở hợp đồng PPP mà các bên đã được ký kết trước đó.
Có thể nói, với nhu cầu phát triển nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ công như hiện nay thì PPP được coi là một mô hình, dự án đang được áp dụng phố biến. Mối quan hệ hợp tác giữa Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân trong dự án PPP là mối quan hệ kinh tế gắn bó chặt chẽ, mối quan hệ hợp tác công tư nhằm hoàn thiện 1 dự án đầu tư cụ thể.

Xem thêm: Dự án đầu tư
Phân loại dự án PPP
Tại khoản 3 Điều 4 Luật PPP 2020 quy định về dự án PPP được phân loại theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cụ thể như sau:
– Dự án PPP thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội;
– Dự án PPP thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;
– Dự án PPP thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, Người đứng đầu cơ quan trung ương hay các cơ quan khác quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật PPP 2020;
– Dự án PPP thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp tỉnh.
Như vậy, việc phân loại dự án PPP đã có sự khác biệt với quy định trước đây theo Nghị định số 63/2018/NĐ-CP dự án PPP được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B và nhóm C theo tiêu chí quy định tại pháp luật về đầu tư công.
Quy định về quy trình dự án PPP
Tại Điều 11 Luật PPP 2020 quy định về quy trình dự án PPP cụ thể như sau
Bước 1: Đề xuất dự án đầu tư
Các cơ quan Bộ ngành, UBND cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc, các nhà đầu tư là những cá nhân, tổ chức có thể đề xuất dự án đầu tư.
Bước 2: Tiến hành thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư
Căn cứ vào các tiêu chí và trình tự thẩm định phê duyệt đã được quy định chi tiết trong điều luật, trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ thì cơ quan nhà nước sẽ tiến hành lựa chọn sơ bộ dự án và báo cáo tính khả thi của dự án.
Bước 3: Công bố dự án đầu tư
Trong thời gian 7 ngày kể từ ngày dự án được cơ quan nhà nước phê duyệt và công bố trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thì tiến hành công bố dự án.
Bước 4: Lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi
– Chủ thể lập:
- Ở những dự án do các Bộ, ngành UBND đề xuất thì các cơ quan này sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án làm cơ sở để lập hồ sơ mời thầu nhằm lựa chọn nhà đầu tư và tiến hành đàm phán hợp đồng dự án đầu tư.
- Ở dự án do nhà đầu tư đề xuất thì nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi trên cơ sở thỏa thuận với Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh bằng văn bản.
– Chủ thể thẩm định sẽ do Hội đồng thẩm định Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành.
– Chủ thể phê duyệt do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Bước 5: Lựa chọn nhà đầu tư, ký kết thỏa thuận, hợp đồng dự án đầu tư
Có hai cách thức để tiến hành nhằm lựa chọn nhà đầu tư đó là chỉ định thầu hoặc đấu thầu rộng rãi.
Bước 6: Đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp dự án
Nhà đầu tư tiến hành làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp dự án nhằm mục đích thực hiện và quản lý dự án theo quy định của pháp luật.
Bước 7: Triển khai tiến hành thực hiện dự án
Quá trình triển khai tiến hành dự án sẽ được thực hiện dựa trên cơ sở những định hướng của Nhà nước đề ra và sự kết hợp nguồn vốn của các nhà đầu tư để bắt tay vào công đoạn hoàn thiện dự án.
Bước 8: Quyết toán và bàn giao dự án
Nhà đầu tư thực hiện quyết toán vốn đầu tư, xây dựng công trình trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày hoàn thành công trình dự án đó. Nhà nước sẽ có trách nhiệm phân công nhiệm vụ kiểm toán giá trị vốn đầu tư được thực hiện của nhà đầu tư.
Hợp đồng PPP
Hợp đồng PPP là gì?
Tại khoản 16 Điều 3 Luật PPP 2020 quy định Hợp đồng dự án PPP là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP về việc Nhà nước nhượng quyền cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP thực hiện dự án PPP theo quy định của Luật này.
Theo đó, hợp đồng PPP có các loại sau đây:
– Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao hay được gọi là hợp đồng BOT (Build – Operate – Transfer);
– Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh hay được gọi là hợp đồng BTO (Build – Transfer – Operate);
– Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh hay được gọi là hợp đồng BOO (Build – Own – Operate);
– Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý hay được gọi là hợp đồng O&M (Operate – Manage);
– Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao hay còn được gọi là hợp đồng BLT (Build – Lease – Transfer)
– Hợp đồng hỗn hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật PPP 2020.

Đầu tư theo hình thức PPP là gì?
Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là PPP) được hiểu là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở dựa trên hợp đồng PPP giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP để thực hiện, vận hành, quản lý dự án kết cấu cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Xem thêm: Quy định pháp lý về hợp đồng ppp
Hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP
Lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP
Căn cứ dựa trên quy định tại Điều 4 Luật PPP và Điều 2 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP như sau:
Theo đó, có 06 nhóm lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm:
- Giao thông vận tải
Lĩnh vực: đường bộ; đường thủy nội địa; đường sắt, đường hàng hải; hàng không;
Tổng mức đầu tư của dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải phải từ 1.500 tỷ đồng trở lên
- Lưới điện, nhà máy điện
Lĩnh vực: nhiệt điện than; năng lượng tái tạo; nhiệt điện khí (bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng); lưới điện; điện hạt nhân trừ các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực;
Tổng mức đầu tư của dự án trong lĩnh vực lưới điện, nhà máy điện từ 1.500 tỷ đồng trở lên; riêng đối với các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo có tổng mức đầu tư của dự án từ 500 tỷ đồng trở lên.
Lĩnh vực thủy lợi như cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải có quy mô tổng mức đầu tư của dự án từ 200 tỷ đồng trở lên.
- Y tế:
Lĩnh vực: cơ sở khám chữa bệnh; kiểm nghiệm hay y tế dự phòng.
Tổng mức đầu tư của dự án trong lĩnh vực y tế phải từ 100 tỷ đồng trở lên

- Giáo dục – đào tạo
Lĩnh vực: cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo và giáo dục nghề nghiệp;
Tổng mức đầu tư của dự án trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo phải từ 100 tỷ đồng trở lên
- Hạ tầng công nghệ thông tin
Lĩnh vực: ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, trung tâm dữ liệu; các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ quốc gia dùng chung; hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng và Nhà nước; an toàn, an ninh mạng; hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) cho đô thị thông minh; hệ thống ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp; các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ quốc gia dùng chung; hạ tầng thông tin số, kinh tế số
Tổng mức đầu tư của dự án trong lĩnh vực hạ tầng, công nghệ thông tin phải từ 100 tỷ đồng trở lên
Như vậy theo quy định trên thì dự án ppp gồm có 06 lĩnh vực thực hiện đầu tư đó là Giao thông vận tải, y tế, giáo dục và đào tạo, thủy lợi và hạ tầng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tùy theo từng lĩnh vực mà pháp luật sẽ quy định về mức quy mô đầu tư cụ thể
Các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư theo phương thức PPP
Theo Điều 10 Luật PPP quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư theo phương thức PPP như sau:
– Quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP không phù hợp với chiến lược, kế hoạch, quy hoạch; không xác định được nguồn vốn của nhà nước trong dự án PPP đối với dự án có yêu cầu sử dụng vốn nhà nước; quyết định chủ trương đầu tư không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục.
– Phê duyệt dự án PPP khi chưa có chủ trương đầu tư cụ thể; không phù hợp với chủ trương đầu tư hoặc không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định.
– Cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng và tổ chức tư vấn, nhà đầu tư thông đồng với nhau dẫn đến quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án PPP gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước, tài nguyên quốc gia; đồng thời xâm phạm đến lợi ích của công dân và cộng đồng.
– Có hành vi không minh bạch dẫn tới không bảo đảm công bằng trong việc lựa chọn nhà đầu tư.
– Tiếp nhận, tiết lộ thông tin, tài liệu về quá trình lựa chọn nhà đầu tư cho dự án.
– Các hành vi thông thầu như Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu; Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu.
– Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng dự án PPP và quy định của luật này.
– Dừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công không nằm trong trường hợp quy định tại hợp đồng dự án PPP đã ký kết.
– Tham gia đưa, môi giới, nhận hối lộ trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm mục đích vụ lợi, chiếm đoạt, tham nhũng trong quá trình quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP; can thiệp bất hợp pháp vào quy trình dự án PPP.
– Các hành vi gian lận khác trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP
– Cản trở việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.
Xem thêm: Thẩm định dự án đầu tư
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.