Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang trở thành một vấn đề khá nổi trội được rất nhiều người quan tâm. Vậy cổ phần hóa là gì? Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được quy định như thế nào? Hãy cùng Công ty Luật TNHH Everest tìm hiểu ngay sau đây.
Cổ phần hóa là gì?
Pháp luật hiện hành vẫn chưa đưa ra một khái niệm cụ thể nào về cổ phần hóa, tuy nhiên dựa trên những quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác có liên quan có thể hiểu cổ phần hóa là quá trình biến những công ty từ một doanh nghiệp một chủ thành doanh nghiệp nhiều chủ tồn tại dưới hình thức công ty cổ phần, có nghĩa là chuyển từ hình thức sở hữu lớn nhất sang sở hữu chung của nhiều người bằng việc chuyển một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp sang cho nhiều người khi bán cổ phần của họ.
Như vậy, những chủ thể sau khi mua lại cổ phần sẽ hiển nhiên trở thành cổ đông mới của công ty cổ phần và có quyền quyết định như một cổ đông bình thường theo quy định của pháp luật.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được hiểu là việc chuyển doanh nghiệp có chủ sở hữu là Nhà nước hay doanh nghiệp đơn sở hữu thành công ty cổ phần (doanh nghiệp đa sở hữu) bằng cách chuyển nhượng quyền thuộc sự quản lý của Nhà nước sang cho nhiều cá nhân khác nhau được gọi là cổ đông. Đây cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chuyển từ chỗ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước sang hoạt động theo các quy định về công ty cổ phần ở Luật Doanh nghiệp.
Các loại tài sản của doanh nghiệp sẽ được chia thành nhiều cổ phần để bán cho những cá nhân có nhu cầu của doanh nghiệp đó, phần còn lại sẽ do Nhà nước sở hữu. Theo đó, tùy vào từng loại hình doanh nghiệp mà tỷ lệ cổ phần do Nhà nước sở hữu có thể thấp hay cao và giao động từ 0% tới 100%
Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng được cổ phần hóa bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn (Công ty TNHH) một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế; công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước (kể cả Ngân hàng Thương mại nhà nước);
- Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là doanh nghiệp thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chưa chuyển thành Công ty TNHH một thành viên.
Các doanh nghiệp trên chỉ được tiến hành hoạt động cổ phần hóa khi đảm bảo đủ 2 điều kiện:
- Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ (Danh mục Doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ)
- Còn vốn Nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp.

Thời điểm quyết định cổ phần hóa
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần thì thời điểm quyết định cổ phần hóa là ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành quyết định thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp.
Chi phí cổ phần hóa
Căn cứ tại khoản 9 Điều 3 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP thì chi phí cổ phần hóa được hiểu là các khoản chi phí phát sinh liên quan trực tiếp đến quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp bắt đầu từ thời điểm quyết định cổ phần hóa đến thời điểm bàn giao giữa doanh nghiệp cổ phần hóa và công ty cổ phần.
Bên cạnh đó, các loại chi phí cổ phần hóa cũng được quy định cu thể tại Điều 8 Nghị định này.
Giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì cần phải linh động áp dụng một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm phục vụ tốt và hiệu quả quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, tập trung vào các nội dung như hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý những trường hợp dự án thua lỗ, không đem lại hiệu quả cao.
Ngoài ra, cần phải chủ động xây dựng danh mục tiêu chí doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa; đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được tiến hành một cách công khai, minh bạch, khách quan và hiệu quả, không để xảy ra tình trạng thua lỗ gây thất thoát vốn nhà nước. Đồng thời cần phải có cơ chế giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ hai, buộc doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường. Theo đó, những doanh nghiệp thua lỗ phải tiến hành giải thể, phá sản hoặc thanh lý. Bởi lẽ, Nhà nước không thể tốn thêm nguồn lực để đổ vào những dự án thua lỗ triền miên và không đem lại hiệu quả kinh tế cho đất nước.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh nhằm hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước theo hình thức chủ yếu là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế nước nhà. Theo đó, cần phải tăng cường công tác rà soát, đánh giá chặt chẽ và hiệu quả của phương án cổ phần hóa.
Thứ tư, để đáp ứng nhu cầu đổi mới về việc cơ cấu lại của các doanh nghiệp nhà nước thì cần phải tăng cường củng cố mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu; tăng cường giám sát của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu khác. Đồng thời, thanh tra, kiểm toán đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thua lỗ, chậm tiến độ, đem lại hiệu quả không cao.
Thứ năm, người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, Doanh nghiệp nhà nước trực thuộc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp; tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án được duyệt.
Trên đây là một số thông tin về cổ phần hóa doanh nghiệp theo quy định mới nhất mà bạn có thể tham khảo.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.